Multimedia Đọc Báo in

Kiên quyết xử lý sai phạm để nâng cao hiệu quả QLBVR

09:17, 01/04/2016

Trong khi những vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở Vườn Quốc gia Yok Đôn vẫn còn “nóng” và những vụ việc liên tiếp xảy ra ở đây trong năm 2015 và đầu năm 2016 vẫn đang trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng, thì tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, 27 gốc hương đã bị lâm tặc đốn hạ “gọn gàng”. Để rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

* Những năm trở lại đây công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là tại các khu rừng đặc dụng luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và ngày càng gia tăng nhiều áp lực. Ông có thể cho biết cụ thể những áp lực đó?

Với diện tích trên 220.000 ha, toàn bộ rừng đặc dụng được giao cho 6 Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý gồm: Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn (110.919,1 ha), VQG Chư Yang Sin (59.296,5 ha), Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (26.296,2 ha), Khu Dự trữ thiên nhiên Nam Ka (20.469,2 ha), Khu rừng bảo vệ cảnh quan Hồ Lắk (10.333,6 ha), Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước (59,6 ha). Mặc dù công tác QLBVR được chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo sâu sát, ngành lâm nghiệp cũng tăng cường nhiều biện pháp để QLBVR hiệu quả, song đất rừng và tài nguyên rừng vẫn bị xâm hại bởi đây là nơi có nhiều loại lâm sản quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, áp lực này càng gia tăng khi các đối tượng lâm tặc trở nên manh động, và thủ đoạn thì ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho lực lượng QLBVR. Rất nhiều trường hợp, để giữ rừng, lực lượng kiểm lâm đã phải đổ máu. Bên cạnh đó, một số buôn làng sống gần rừng, phần lớn kinh tế còn khó khăn, sống dựa vào rừng, do những nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống nên dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo trở thành những đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản thuê cho đầu nậu. Thêm vào đó, lực lượng mỏng, phương tiện, trang bị còn hạn chế nên hiệu quả QLBVR chưa cao, chính vì vậy vẫn còn để xảy ra nhiều vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Gỗ hương bị lâm tặc chặt hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô
Gỗ hương bị lâm tặc chặt hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

 

* Mới đây Đội Kiểm lâm cơ động (KLCĐ) số 2 qua kiểm tra đã phát hiện 27 gốc hương bị đốn hạ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, xin ông cho biết cụ thể về vụ việc này?

Đó là vào ngày 22-3, trong đợt tuần tra tại địa bàn huyện Ea Kar, Đội KLCĐ số 2 đã phát hiện 27 gốc hương bị đốn hạ thuộc lô 2, khoảnh 1, tiểu khu 637 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô quản lý. Sau khi Đội KLCĐ số 2 báo về,  Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám định tại hiện trường. Trong số 27 gốc hương nói trên, có 22 cây bị lâm tặc chặt hạ vào khoảng đầu tháng 3, số còn lại bị chặt từ trước Tết Nguyên đán, đã có cây mọc chồi cao 1m. Các cây này được phân bố thành cụm, khoảng cách giữa các cây từ 20-100 m. Lâm tặc đã dùng cưa máy cắt hạ gốc cây, xẻ thành khúc và róc bìa, một số cây đã lấy ra khỏi rừng, còn một số cây vẫn còn nguyên tại hiện trường.

* Được biết, những cây gỗ hương bị đốn hạ chỉ cách Trạm Kiểm lâm số 1 của Khu Bảo tồn chỉ chừng 400 - 1.000m, vậy phải chăng công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây có vấn đề? Quan điểm của ngành như thế nào trong xử lý trách nhiệm đối với vụ việc trên, thưa ông?

Phải thừa nhận đây chính là sự buông lỏng quản lý trong công tác QLBVR. Ngành đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Khu BTTN Ea Sô báo cáo cụ thể tình hình, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Ea Kar để điều tra, xác minh, truy tìm các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Hiện nay, hồ sơ vụ việc đã chuyển cho cơ quan chức năng. Quan điểm của ngành, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị có liên quan. Căn cứ trên kết quả điều tra, nếu phát hiện có trường hợp thông đồng, bắt tay với lâm tặc thì kiên quyết xử lý, không bao che, sai phạm đến đâu xử lý nghiêm đến đó. Hiện nay, đang là cao điểm của mùa khô, ngoài tập trung cho công tác PCCCR, ngành Kiểm lâm tỉnh cũng đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tăng cường hơn nữa các biện pháp tuần tra, truy quét, nhất là các điểm nóng, vùng rừng giáp ranh để hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.

* Xin cảm ơn ông!

Lê Hương (thực hiện)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc