Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường hoạt động kiểm tra kết hợp truyền thông về an toàn thực phẩm

17:56, 23/04/2016

Trong những tháng gần đây, sự việc lực lượng chức năng bắt giữ khối lượng lớn thịt động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được đưa vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đã khiến cho người tiêu dùng thấy hoang mang, lo lắng về chất lượng, an toàn thực phẩm. Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bác sĩ TRẦN VĂN TIẾT, Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh xoay quanh vấn đề này.

°Thưa bác sĩ, thời gian qua, Chi cục VSATTP tỉnh đã triển khai công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm như thế nào?

Quản lý nhà nước về ATTP hiện nay được giao cho 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương quản lý theo từng loại thực phẩm. Ngành Y tế được giao quản lý các sản phẩm nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm. Theo quy trình kiểm soát chung, đánh giá các loại thực phẩm bảo đảm an toàn đối với một cơ sở sản xuất thì trước hết cơ sở đó phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trước khi sản xuất. Tiếp đến là những sản phẩm bao gói sẵn phải được công bố chất lượng sản phẩm tại Chi cục VSATTP và ghi nhãn trước khi lưu thông trên thị trường. Trong quá trình sản xuất, lưu thông thực phẩm, các ngành chức năng cũng theo thẩm quyền của mình tiến hành kiểm tra các nội dung nói trên và sẽ lấy mẫu kiểm định chất lượng để so sánh với chất lượng các sản phẩm theo hồ sơ đã được công bố của các cơ sở. Chi cục VSATTP đã triển khai kiểm tra định kỳ theo chuyên ngành cũng như kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời tăng cường các hoạt động về truyền thông, cũng như hướng dẫn cho các cơ sở để họ biết và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP.

°Theo bác sĩ, trong công tác quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay thì những vấn đề nào cần lưu tâm hơn cả?

Khó khăn trong việc quản lý nhà nước về ATTP là lực lượng thanh tra chuyên ngành còn quá mỏng; hệ thống quản lý về ATTP theo ngành dọc chưa đầy đủ, chỉ mới ngành Y tế có hệ thống đến tuyến xã. Bên cạnh đó,  kinh phí cho vấn đề thanh tra, kiểm tra còn quá ít. Hiện nay, việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ hằng năm do từng ngành quản lý thực hiện theo lĩnh vực được giao. Mỗi năm thường có 3 đợt cao điểm là Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành để cùng kiểm tra sản phẩm của các ngành nhưng tần suất kiểm tra rất ít. Với những cơ sở có hành vi vi phạm hành chính bị phát hiện thì chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Do đó, chưa tạo ra áp lực để các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm pháp luật, đưa ra thị trường những thực phẩm an toàn. Vì thế, cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục mới có thể làm thay đổi ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, thực tế cũng có những người tiêu dùng chưa chú ý đến việc lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn, điều này vô tình tiếp tay tăng thêm các hành vi làm ăn gian dối của các cơ sở thiếu ý thức chấp hành và xem thường pháp luật hoặc quá chạy theo lợi nhuận.

Bác sĩ Trần Văn Tiết (bìa phải) tham gia kiểm tra chất lượng thực phẩm  tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Bác sĩ Trần Văn Tiết (bìa phải) tham gia kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

°Nói về ý thức của người tiêu dùng, trước đây,  Bộ Y tế đã có khuyến cáo “hãy là người tiêu dùng thông thái”, nhưng muốn “thông thái” trước hết phải biết thông tin. Vậy bác sĩ có thể tư vấn kênh thông tin cho người tiêu dùng?

Thực phẩm trên thị trường rất phong phú, đa dạng nên khi lựa chọn thực phẩm, nhất là thực phẩm bao gói sẵn, người tiêu dùng cần chú ý tới nhãn mác hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng cũng như số công bố đã được công bố trên sản phẩm thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của các cơ quan quản lý nhà nước về thông báo công khai những cơ sở vi phạm trong các đợt thanh tra, kiểm tra. Đối với Chi cục VSATTP Đắk Lắk, hằng tháng đều cập nhật trên trang điện tử của chi cục tên, danh sách những cơ sở kinh doanh đã được thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm. Qua những đợt thanh tra, kiểm tra, chúng tôi đều công khai danh sách những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm cùng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng để người tiêu dùng biết, từ đó lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn

°Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.