Multimedia Đọc Báo in

Hồn cốt phố núi trong "nỗi buồn đặc sản"

15:08, 26/12/2013
Có những nơi chốn người ta du lịch để biết về bức tranh xã hội, đời sống, lịch sử, văn hóa một vùng đất, khám phá và mở rộng sự hiểu biết. Lại có nơi người ta đến để thưởng thức những tiện nghi,  hưởng thụ vật chất, hay tìm sự vui thú, tiêu tiền, cảm nhận về sự xôn xao, sôi động.  Nhưng Đà Lạt, có khi là khác đấy…
*
Có một sự thật mà chịu lắng lòng một chút ta nhớ ra  rằng du khách bao giờ cũng  than “Đà Lạt buồn !”.  Có nhạc sĩ nào  đó từ nửa thế kỷ trước đã khái quát và đóng đinh vào tâm tưởng  người bốn phương rằng Đà Lạt là “ Thành phố buồn”.  “Buồn” trở thành  một giá trị, thương hiệu.  Yêu  Đà Lạt nhưng lữ khách không ở lại lâu được. Vài bữa xuất hiện là “than buồn” mà  đi. “Đến” hoài mà cũng “đi” hoài. Nhưng hễ cứ đi là có vẻ họ lại nhớ. Khối kẻ hay than “buồn” lại là người biết “định hướng” việc chơi: người du lịch thông thái và sâu sắc là người biết “xài” Đà Lạt  cho nhu cầu buồn, mà đồng hành với nó là ngắm, nghĩ, tịnh, học cách “sống chậm”, tái tạo tâm hồn, làm giàu sang tâm hồn.  Không “buồn” thì để  Đà Lạt nhòa lẫn vào các thành phố khác à. Đà Lạt mà “vui” như Sài Gòn thì trớ trêu lắm. Chưa có nơi đâu oái ăm và ngoại lệ như nơi này, khi câu “Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa”  lại là câu khen.

 

    Những rừng thông đã làm nên vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt.        Ảnh: N.H.T
Những rừng thông đã làm nên vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt. Ảnh: N.H.T

Rằng không biết có phải cái dáng vẻ thơ mộng của tầng cao thiên nhiên và phong thái đô thị u hoài xứ lạnh chính là suối nguồn chất liệu để sinh thành cảm xúc, gợi mơ tưởng, nhớ thương, thấy thiếu, thấy thừa, đẩy đưa cảm giác thênh thang, rộng ra, co lại, đầy đấy mà hẫng đấy ở con người ta. Vì vậy mà an lạc, vì vậy mà về với nội tại, mau buồn, thèm ấm, thèm yêu, khiến phải nghĩ nhiều về cái đẹp, hay nghĩ về “một vòng tay” của giới phái kia,  và chí ít là nghĩ ngay đến… rượu. Đà Lạt “lớn” hơn những thị thành khác là ở cái buồn, chịu được buồn. Vì thế mà có chuyên gia đô thị, cũng là một kiến trúc sư tài danh người Hà Nội nhưng  rất hiểu hồn cốt Đà Lạt, trong một Hội thảo đánh giá quỹ kiến trúc của đô thị Đà Lạt vào  chín  năm trước đã khẳng định tự tin giữa hội thảo khoa học rằng: "Cái buồn cũng là tài sản của thành phố này". Đà Lạt mà hết buồn là… hỏng.  Chẳng biết Giáo sư  Hoàng Đạo Kính có yêu Đà Lạt quá không mà theo ông, nên nhớ ấy là cái “buồn đặc sản”, địa văn hóa, cái buồn mang hồn vía nơi chốn, không phải thành phố nào muốn cũng có.                                                               

 *

Người thưa thớt, tiết trời lạnh cứ muốn thu vạn vật co lại như thế, có muốn “vui”  cũng khó. Mà có vui đấy rồi cũng rỗng không, “buồn” lại ngay. Nhưng Đà Lạt với, chỉ  mỗi rừng thông thì cũng không đủ thể tạo ra vẻ u hoài của đô thị, nhan sắc của nỗi buồn... 

Từ nơi khác, nhiều họa sĩ đã đến để vẽ những biệt thự Pháp cổ  ở Đà Lạt.  Ảnh: N.H.T
Từ nơi khác, nhiều họa sĩ đã đến để vẽ những biệt thự Pháp cổ ở Đà Lạt. Ảnh: N.H.T

Đó là một nỗi buồn sang của đất trời hôn phối cùng thứ khác sáng tạo từ con người, khó có thể thấy ở đô thị nào trên đất nước này. Và chuyên gia đô thị kia đã “giải phẫu” tới nơi tới chốn rằng chính rừng thông và cái chất “Tây” thâm trầm trong thứ kiến trúc Pháp cổ xưa xinh đẹp nhưng không bao giờ lạc thời riêng có từ các căn biệt thự ấy sinh ra "nỗi buồn đặc sản", là "linh hồn" đô thị của Đà Lạt. Lúc này  thì “Nỗi buồn Đà Lạt” không còn  ở trạng  thái phi vật chất nữa mà nó đã thành “vật chất”. Hai thực thể vật chất kiến trúc cổ và rừng thông ấy không phải là giá trị gia tăng, mà là giá trị cơ bản của xứ sở này. Kiến trúc biệt thự đặt ở đâu, tỉnh, thành, địa phương nào cũng có thể đẹp, nhưng phải xây ở Đà Lạt, ngay dưới tàng cây, núp bóng thông ngàn kia, ven sườn núi, lũng đồi, cao thấp ẩn hiện, như có như không, từ tốn trước thiên nhiên, trước khói sương và nỗi trầm tư của thời gian thì mới đạt đến đỉnh cao của cái đẹp. Giờ đây đời sống tiến triển, ở tỉnh thành nào cũng xuất hiện kiến trúc biệt thự. Thế mà “tuyên ngôn” được, ẩn chứa được nhiều chiều sâu của nghệ thuật kiến trúc biệt thự rõ nhất vẫn thuộc về những căn biệt thự xưa cũ của kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở phố núi Đà Lạt.

*

Khi ngang qua những con đường được in bóng biệt thự xưa ở phố núi, cảm giác về một không gian sống đài các dễ chịu cứ nhả ra tự nhiên. Cái cảm giác chênh vênh của núi đồi, sự thay đổi như vô tận của địa hình, sự uốn lượn bất ngờ của đường phố, vẻ trầm mặc của kiến trúc "Tây", cùng sự mát lạnh của ngàn thông làm sao không réo gọi người đời ước muốn nằm giữa một căn phòng bất kỳ trong ấy để thưởng lãm cho “đã” kiếp người. Những biệt thự của thứ kiến trúc biết tựa vào thiên nhiên, biến thiên nhiên thành mỹ phẩm để trang điểm. Đấy là những căn biệt thự mà đứng bất cứ hướng nhìn  nào, ta cũng thấy căn nhà là mặt tiền, luôn bất ngờ, nhìn không chán. Cho đến ngày nay, giới thiết kế kiến trúc ở Việt Nam vẫn thừa nhận sự tài hoa của những kiến trúc sư, nghệ sĩ  Pháp thuở nào, vì biệt thự nào cũng "biết nói". Ví như nội chiếc ống khói lò sưởi nhô lên khỏi  mái  ngói kia cũng đã nhắc nhở về cái lạnh nao lòng của Đà Lạt bên trong từng "tổ người" trong căn biệt thự ấy. Lò sưởi và kiến trúc “Tây” khắp nơi, vậy mà với Đà Lạt nó như quê xứ của thứ đó.

*

Tôi đang viết những dòng này trong một căn biệt thự cổ của phố núi giữa lúc mọi người đang tưng bừng  kỷ niệm 120 năm Đà Lạt ra đời, kể từ ngày Nhà thám hiểm A.Yersin đặt chân đến vùng sơn nguyên Langbian và đề xuất xây dựng một thành phố nghỉ mát. Không gian nhìn từ cửa sổ căn biệt thự xưa trở nên yêu kiều nhờ nương tựa dưới cánh rừng thông và đường nét kiến trúc của khối nhà nhỏ không "hoành tráng" nhưng đẫm ký ức phố núi thời quá vãng.  Không gian này, cũng lại nhắc nhớ tôi rằng, các chuyên gia kiến trúc và bảo tồn di sản trong cả nước luôn khẳng định. “Có cả một bảo tàng kiến trúc Pháp mang phong cách cuối thế kỷ 19 ở Đà Lạt”. Người Đà Lạt biết, hoặc ít nhất cũng cảm nhận được điều đó. Từ rất nhiều năm rồi,  họ hay thấy  sinh viên các trường mỹ thuật ở Sài Gòn hằng năm lên thuê nhà trọ để lặng lẽ hàng ngày lê giá đi vẽ những căn biệt thự trên đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh, Lê Lai... Đâu riêng các hoạ sĩ trẻ kia, người Đà Lạt xem ra cũng chẳng xa lạ với hình ảnh khách Nhật, Anh, Mỹ, Úc, Hàn, Nga “balô" thường dạo quanh mà ngắm các căn biệt thự, đứng lặng mà chụp hình. Cái dáng vẻ "buồn sang" đó dường như đưa Đà Lạt bất chợt thành một trong ít đô thị ở Việt Nam mà lữ khách, dân tha hương đây đó bốn phương trời lập ra những Hội gọi là "Hội ái hữu Đà Lạt",  nhóm hay Câu lạc bộ "Những người yêu Đà Lạt"... Chỉ yêu và yêu Đà Lạt bằng trái tim, bằng hoài niệm, mà không có bất kỳ mục đích nào khác. Những cô cậu cựu học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo xưa, hay Thăng Long, Bùi Thị Xuân nay, rồi Viện Đại học Đà Lạt nữa, lưu lạc đây đó nhưng cảm xúc họ cứ thấy bàng bạc trên blog, trang mạng điện tử khi nhớ về “thành phố buồn”. Đó đây trên mạng có người tâm sự nội cái tháp bút cô đơn nhưng mãnh liệt viết khát vọng lên trời xanh ở Trường Lyscée Yersin đã làm người ta quay quắt nhớ về Đà Lạt, cho dù phố núi này chưa hẳn là quê quán họ. Người khác nữa bảo nhớ nhà ga xe lửa, nhà thờ con Gà, chùa Linh Sơn, nhớ nhà Thủy tạ lẻ loi trong sương sớm... Toàn những chỉ dấu của thanh tịnh, điềm tĩnh, cô quạnh, nhưng dễ gần với con người và mang một nỗi buồn sang.

*

Một lần tôi hỏi  Nhà sử học Dương Trung Quốc (Hà Nội) khi Tạp chí “Xưa và Nay”  của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thực hiện một cuốn sách về "Đà Lạt xưa":  Sao chỉ "Đà Lạt xưa"? Ông rằng: "Cái "nay" của Đà Lạt giờ đã như  các đô thị khác. Có cái "xưa" độc đáo, lạ thường chỉ ở đây sở hữu. Dựng lại cái xưa để nhắc nhở... cái nay đừng đánh mất chính mình!". Mà hình như mấy chục năm qua, không riêng  ông Dương Trung Quốc nhắc nhở  về những giá trị đã làm người các nơi mê đắm, về nỗi buồn sang "chết người" của một đô thị đẹp như một thi phẩm này. Ít có thành phố nào như Đà Lạt, ai cũng thương yêu nó, dù hàng ngày họ không hề uống  nước, hóng gió, hít khí, hưởng sương của rừng thông Đà Lạt. Nó là “đô thị Hoa hậu”, mà người đẹp là của chung thế nhân rồi.

                                                                 Bút ký của Nguyễn Hàng Tình 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.