Multimedia Đọc Báo in

Bến đò ông Tích

15:44, 07/05/2017

Đấy là bến đò của làng Yên Phó nằm bên bờ sông Vạc. Ông Tích làm nghề chèo đò ngang trên sông lâu đến trên bốn chục năm nên người làng gọi là "Bến đò ông Tích".

Ông Tích không lấy vợ. Người làng vẫn đồn một giai thoại rằng ông không thích đàn bà. Ông từng tuyên bố rằng: "Đừng có bà nào mon men với tôi nha. Về ở với tôi mà làm tôi bực lên là tôi xé đôi như... xé cua". Chẳng biết có thật không, nhưng từ khi tôi còn bé xíu cho đến khi đi bộ đội, tôi vẫn thấy ông ở một mình.

 Nhà ông Tích nằm ngay dưới gốc cây đa to hàng vài trăm năm tuổi, cách bến đò chỉ chừng năm mươi mét nên người làng cũng gọi luôn cụ đa này là "Cây đa ông Tích". Gọi là "Nhà" cho sang, chứ thực ra đó chỉ là một túp lều nhỏ chừng chục mét vuông, vách đất nhồi rơm, mái lợp rạ. Do nằm dưới bóng đa to nên nhà cực mát. Lũ trẻ của làng thường thả trâu ngoài bờ sông rồi vào gốc đa chơi đủ các trò: Nhảy dây, chơi ô ăn quan rồi đánh trận giả; hò hét cãi nhau ỏm tỏi làm rộn ràng một khúc bờ sông. Thỉnh thoảng gặp ông Tích đột ngột từ ngoài bến về, tất cả len lét nhìn ông. Ông Tích không la rầy, vào nhà lấy cho mỗi đứa lúc thì nắm xôi nhỏ bằng quả chanh, lúc đẵn mía đỏ; khi thì củ khoai chín nguội ngắt có lẽ ông để đã hai, ba ngày. Đường từ nhà ông Tích ra bến sông bò dày những cây mâm xôi quả chín đỏ. Bọn trẻ thường chỉ hái được những quả ở phía ngoài, còn phía trong thì đành đứng nhìn, nuốt nước dãi phần vì quả ở trên cao, phần vì gai tua tủa, không thể nào lội vào được. Biết vậy, vào những buổi chiều muộn, ông Tích tìm cách lách vào, hái bỏ đầy túi áo để dành gặp bọn trẻ là phân phát, rồi đứng nhìn chúng ăn với nụ cười như mếu trên khuôn mặt khắc khổ...

 Chiếc đò của ông Tích cũ lắm. Đến giờ, tôi chỉ nhớ được rằng những tấm ván kê ở đầu mũi con đò khi ấy trắng phếch, mòn lõm xuống vì có quá nhiều người lên xuống. Người đi, về thường là bà con hai bờ sông đi chợ Bợi, chợ Lội với quang thúng lỉnh kỉnh; hoặc chị vợ anh thuyền chài cắp bên hông mẻ cá mớ tôm sang bán bên làng Yên Phó. Thỉnh thoảng có anh cán bộ nhà nước nhân ngày chủ nhật về thăm nhà, sau xe đạp đèo thêm vài cân ngô hoặc gạo về làm quà. Mỗi lần đi về, ông Tích chỉ chở khoảng năm người là đò đầy, tất cả đều phải đứng. Tiếng mái chèo cót két khỏa nước đều đều, tiếng nói chuyện cũng rì rầm, khe khẽ. Ra đến giữa sông, nước chảy cuộn, ông Tích khéo léo đưa con đò lách dòng, quát những thằng bé hiếu động không chịu đứng yên khiến đò chao đảo. Cũng có lúc triều lên chảy mạnh, mũi đò quay đi quay lại, ai cũng sợ; nhưng ông Tích luôn biết cách động viên mọi người bình tĩnh để ông xử trí bằng những câu kiểu mệnh lệnh hết sức ngắn gọn: "Đứng im. Có gì mà sợ", hoặc: "Ồn ào cái gì. Nước nổi đò nổi. Có chìm đâu mà lo"... Ông Tích chèo đò, đồng thời cũng là người thu tiền luôn chứ không có... phụ đò, phụ xe như bây giờ. Tiền đò hồi ấy được tính bằng tiền xu hoặc tiền hào; mỗi lần qua lại 5 xu một người, có hàng thì thu thêm, nhưng cao lắm cũng chỉ đến hai hào, tức là bằng bốn đồng 5 xu...

Đi chợ  hoặc có việc gì phải qua sông Vạc, khi bước từ đò ông Tích lên tức là đã về gần đến nhà. Người gánh rảo chân nhanh hơn, đứa trẻ con  chạy lúp xúp theo sau. Gió từ sông Vạc thổi lên mát rượi. Trên đê, lũ trẻ chăn trâu của làng vẫn mải mê với những trò chơi chọi cỏ gà, đánh khăng... Có đứa phát hiện thấy mẹ về chợ, bỏ chơi chạy đến đòi quà là đẵn mía hoặc mẩu bánh đa...

Bây giờ, một cây cầu bê tông sừng sững bắc qua sông khiến việc đi về của dân làng nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều. Bến đò không còn, ông Tích cũng đã mất lâu lắm rồi. Tuy vậy, trong ký ức của người quê vẫn còn mãi một Bến đò ông Tích với tiếng gọi "Đò ơi" thao thiết...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.