Multimedia Đọc Báo in

Tuổi thơ bên bờ sông vạc

08:49, 21/05/2017

Con sông Vạc chảy dọc làng Yên Phó rộng chỉ bằng bảy lần con ngòi Cống Đá của làng cộng lại, nghĩa là chỉ chừng năm mươi mét, tương ứng với một trăm sải bơi người lớn. Vậy mà một thời nó là nơi diễn ra biết bao hoạt động vui đùa của tuổi thơ trong làng với những trò nghịch ngợm đến dại dột mà người lớn nhìn thấy thì chỉ lè lưỡi lắc đầu.

 Sông Vạc ngày ấy hiền hòa, êm dịu chảy giữa đôi bờ lúa, thuyền bè đi lại như mắc cửi. Buổi chiều khi thủy triều lên, có những đoàn thuyền hàng chục chiếc với những cánh buồm đủ màu, căng gió cùng xuôi theo dòng nước. Tiếng nước reo mạn thuyền, tiếng gió phần phật trên cánh buồm. Anh lái thơ thới ngồi cuối mạn thuyền thả những câu hò tình tứ như được dát từ nắng vàng. Trên bến sông, bầy trẻ có đến vài chục đứa cả con trai con gái, nhiều đứa cởi truồng, cùng tắm. Tắm chỉ là phụ, còn hò hét, té nước, rượt đuổi, dìm nước nhau là chính, bởi nhiều đứa khi bước lên bờ mặc quần áo thì, bùn đất còn bám đầy trên vai, trên mặt... Bến sông Vạc cũng là nơi các bà, các bác, các chị ra rửa rau, giặt quần áo; thậm chí có người còn quảy đôi thùng ra gánh nước về phục vụ cho ăn uống. Nước sông ngày ấy "lành" đến độ nhiều người sau mỗi buổi làm đồng lại xuống bến, lội ra xa một tý rồi quải nón, múc nước uống ừng ực.

 Cũng như mọi con sông khác, sông Vạc cũng bên lở bên bồi. Làng Yên Phó nằm phía bên bồi nên có nhiều lợi thế hơn cho việc cấy trồng, thu hái, đánh bắt cá tôm và các sản vật của dòng sông. Ngày ấy tôi và lũ bạn thường đi vớt rau vạy dưới đáy sông về nấu cám cho lợn ăn, đi cắt cỏ năn dồn thành từng đống như đống rạ con rồi ngồi trên cho trôi về tận bến để mẹ gánh về bỏ chuồng lợn làm phân bón đồng. Rồi thì đánh dậm tôm, dậm cáy, đi câu cá bống, cá ngạnh v.v... Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là những... “trận thủy chiến” với lũ trẻ bên kia sông.

 Nguyên nhân xảy ra các "trận thủy chiến" là do những mâu thuẫn rất trẻ con, chẳng đâu vào đâu của cả hai bên. Thả trâu ở bờ đê, tốp trẻ bên này gọi với sang nói chuyện với tốp bên kia. Đầu tiên là việc hỏi tên tuổi của nhau, mày học hành ra sao... Thằng bên này chê thằng bên kia rằng học dốt, lớn xác vậy mà mới chỉ học lớp sáu; thằng bên kia chửi lại, vậy là sinh mâu thuẫn. Cả bọn hẹn nhau ngày mai sẽ thủy chiến để... lấy lại danh dự. Việc chuẩn bị trước "trận đánh" được bọn trẻ thực hiện rất nghiêm túc. Đầu tiên là họp bàn nhau để bầu nhân sự tổ trưởng, tổ phó (chúng gọi là đại đội trưởng, đại đội phó), rồi thì vũ khí chiến đấu, ngựa chiến ra sao v.v... Tất nhiên việc bàn bạc phải hết sức cơ mật, bởi nếu để bố mẹ biết được thì chỉ có no đòn.

Đại đội trưởng là thằng Nhân, một thằng từng lì lợm trong "chiến đấu". Chứng cứ là hôm đánh nhau với bọn làng Rầu bằng cách ném đất đá sang nhau, thằng Nhân đã dũng cảm lao qua “làn đạn”, tóm được một thằng bên kia về làm "tù binh", khiến đối phương bên kia phải nhất loạt quỳ xuống, tự tát vào má mình bôm bốp nó mới tha cho.

Đại đội phó là thằng Độ. “Vũ khí” là những đoạn tre ngắn, phía trên buộc những chiếc tay mây có gai nhọn tua tủa. “Ngựa chiến” là những con trâu đực khỏe mạnh, biết nghe lệnh điều khiển và có thể bơi dưới nước được hàng giờ. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi thì hẹn với "đối phương "ngày giờ "giao chiến". Quan trọng nhất là chọn giờ "giao chiến" sao cho bố mẹ không thấy được.

Ngày ấy việc làm ruộng còn đang theo phương thức hợp tác xã, đi làm theo kẻng, ăn chia theo điểm nên xã viên thường tập trung làm ở một cánh đồng nhất định. Hôm ấy tất cả bố mẹ đều đi làm ở mãi cánh đồng Rộc, ngược hẳn với phía bờ sông nên được bọn trẻ chọn ngày để "xuất quân". Đúng bảy giờ sáng, khi tiếng kẻng hợp tác vang lên thì lũ trẻ cũng cưỡi trâu lên đê. Sau một hồi khẩu chiến, “trận đánh” bắt đầu.

Sáu con trâu đực theo lệnh cùng ào xuống sông, bơi ra giữa dòng, trên lưng là sáu thằng nhóc mặt đằng đằng sát khí cùng chiếc gậy tre huơ huơ trên đầu. Khi đã giáp mặt nhau, chúng vung gậy vụt vào bên kia. Nhiều thằng bị gai mây cào rách áo, toạc mặt. Mặc, chúng vẫn thúc hai chân vào mạng sườn trâu hô "xung phong". Một khúc sông náo loạn bởi tiếng la hét của bọn trẻ con, tiếng trâu bơi uồm uồm. Bỗng có một chiếc thuyền chở than lao tới, con trâu của "đại đội trưởng" Nhân hoảng sợ quay đầu chạy vào bờ. Năm thằng còn lại tưởng đại trưởng bỏ chạy, chúng cũng giật trâu quay vào theo.

Bên kia là tiếng  reo hò, tiếng vỗ tay mừng chiến thắng; còn bên này chỉ nghe chí chóe bọn trẻ đổ lỗi cho nhau vì "thất bại ô nhục" - thằng Nhân gọi vậy. Tất nhiên, tối ấy về mỗi đứa nhận được một trận đòn nhớ đời từ những chiếc roi tre của các ông bố.

Mùa hè đi câu cá bống trên dòng sông Vạc thật thích. Khi thủy triều lên, dòng sông bỗng rộng mênh mông. Lội ra chỗ nước ngập ngang thắt lưng là thả cần. Mồi câu là những con giun trộn với tro bếp. Cầm cần câu nhắc lên thả xuống nhịp nhàng, khi nghe có tiếng kịch kịch giật cục ở đầu cần, nghĩa là cá đã ăn mồi. Giật lên, không chú cá bống thì cô cá ngạnh hoặc cá bò vàng hươm, bóng loáng. Nhiều khi gặp trúng hang cá, giật được cả chục con một chỗ, thật khoái. Có lần thằng Thông câu được con cá ngạnh (loại cá có ngạnh ở đầu như cá trê), giật lên thế nào mà thằng Hoàn chăn trâu đứng phía sau bị chiếc ngạnh cá cắm phập vào trán, cá không rơi xuống được. Hoàn ta khóc hu hu, còn thằng Thông khi ngoảnh lại thấy cá từ cần câu của mình đang dãy đành đạch trên trán Hoàn thì tái mét mặt. Thông phải cầm cá giật mạnh, mới gỡ được. Hú vía, may sao ngạnh cá không cắm vào mắt thằng Hoàn.

Lúc thủy triều lên hết ngưỡng, dòng sông không còn phân biệt được đâu là bãi bờ thì cũng là lúc trời sẩm tối. Ấy là lúc đi đánh giậm cáy. Một đoàn hai, ba đứa vai vác giậm có treo chiếc bầm bập, hông đeo giỏ, chia nhau cách đoạn khoảng mười lăm, hai mươi mét, cùng dập bầm bập. Cáy theo nước thủy triều lên, bò vào bờ ăn rác, rêu dạt nhiều lắm. Có mẻ "Chúc" (từ bọn trẻ gọi) được đến hai, ba mươi con. Đánh đến khi trăng lên giữa đỉnh đầu thì cùng hú nhau trở về. Nhiều khi được một giỏ cáy năng đến ba, bốn cân. Thằng nào cũng vui vì mai mẹ mang cáy đi chợ bán sẽ có nhiều quà, thậm chí có khi mẹ còn mua cho chiếc quần đùi mới nữa là khác...

Năm mươi năm trôi qua, cũng như nhiều dòng sông khác, sông Vạc giờ đây gần như thành "dòng sông chết" với lục bình dày đặc, rác thải  trôi kín đặc dòng sông; bao nhiêu nghề, bao nhiêu cảnh mà ngày xưa sông Vạc mang lại nay hầu như đều vắng bóng. Nhắc lại ký ức ngày xưa để nhớ về dòng sông một thưở ấu thơ.

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.