Multimedia Đọc Báo in

Chuyện trọ học xa nhà

11:46, 22/10/2017

Đến năm 1969, tốp thằng Trường, thằng Thông… đã lên lớp bảy, trường cấp II của chúng chuyển về khu đất rộng ở xóm Một của làng. Khoảng cách xa thêm nên bố mẹ cho chúng nó ở trọ.

Thằng Trường, thằng Quyết, thằng Hưng trọ ở nhà ông Khoa; thằng Thông, thằng Minh, thằng Hòa trọ ở nhà ông Hoành. Những đứa khác cũng về trọ quanh đấy, chỉ cách vài chục bước chân, ới một tiếng là gặp được nhau.

 Vì ở trọ nên chúng nó thoát được cảnh phải chăn trâu, cắt cỏ, phơi lúa, bế em… chỉ chuyên tâm cho việc học. Nhưng “Nhàn cư vi bất thiện”, rảnh quá hóa nghịch nhiều. Học nhóm thì chỉ nghiêm túc được chục phút đầu, sau đấy là quay ra tranh luận đủ chuyện trên trời, dưới đất. Nào là: vì sao chuồn chuồn khi cặp đôi mà vẫn bay lượn nhịp nhàng như xiếc; nào là ve sầu kêu ở đâu, ở bụng hay ở miệng; rồi thì dế trũi khác dế mèn ra sao… đến nỗi chủ nhà trọ phải nhắc, dọa sẽ mách thầy cô, cha mẹ chuyện chúng không chuyên tâm vào học hành.

Cùng học lớp 7A ngày ấy có thằng Thiện ở làng Yên Cống. Thằng Thiện không ở trọ nhưng ngoài giờ học vẫn hay lên chơi với tốp thằng Trường. Thiện người thấp, lùn, hai má phinh phính như má con gái nhưng khi nói thì cứ oang oang, giọng khàn khàn như vịt. Cùng mười ba tuổi, nhưng Thiện có vẻ xốc vác, nhanh nhẹn, và đặc biệt là hay “sáng tạo” nên những “buổi ngoại khóa” đầy hấp dẫn mà nhóm thằng Trường, thằng Quyết phải… bái phục. Một lần, thằng Thiện bảo: “Chiều mai bọn mày đợi tao, tao sẽ chiêu đãi chúng mày một bữa cực đặc biệt!”. Khỏi phải nói bọn thằng Trường hồi hộp, háo hức chờ đợi cái bữa “chiêu đãi cực đặc biệt” ấy của thằng Thiện như thế nào; nó chiêu đãi cái gì nhỉ?

 Đúng hẹn, Thiện đến mang theo một bọc to tướng. Nó bảo thằng Thư (con ông Hoành) đưa cho mượn cái rá vo gạo rồi trút ra đến cả rổ sung, non có, già bánh tẻ có. Nó xuống bếp lấy con dao lên bổ đôi từng trái sung rồi mang ra chậu xối nước, cẩn thận rửa sạch từng trái sung cho bay hết những con bằng hăng trong ruột quả. Rồi nó lấy cái bát con đổ từ trong bịch nhựa ra mắm tôm, vắt chanh, trộn đường, khuấy đều đến mức bát mắm nổi bọt, bay mùi thơm phức. Cả tốp gần chục đứa ngồi tròn xoe mắt nhìn thằng Thiện làm một cách thuần thục, nước miếng cứ tứa ra hai bên mép. Xong xuôi, thằng Thiện bảo: “Xin mời”. Chỉ chờ có vậy, cả chục bàn tay cùng nhón sung, quệt nước mắm rồi đưa lên miệng nhai rau ráu, miệng xuýt xoa “ngon, ngon”. Thằng Hồng tham ăn chấm nước mắm đến độ nhúng cả đầu ngón tay vào bát mắm nên mặn, bị sặc ho mãi mà không ăn tiếp được. Mặc, những thằng khác cứ tranh thủ chén, như tằm ăn rỗi; chẳng mấy chốc mà rá sung hết veo. Hồng ta thiệt đơn thiệt kép, đã không được ăn mà nước mắt nước mũi cứ chảy ròng ròng, mặt đỏ như vừa uống rượu. Sau này, khi lớn lên, dù đi khắp mọi nơi, được ăn đủ mọi thứ đặc sản trên đời nhưng với tốp học trò ngày ấy thì đấy là bữa ăn ngon tuyệt trần, không thể tìm lại được cái cảm giác của một bữa ăn ngon đến như vậy. 

Ngoài “rá sung” của thằng Thiện, tốp trọ học ngày ấy còn được các bác, các cô chủ nhà chiêu đãi những món ăn thật ngon mà khi còn ở nhà chúng chưa hề được ăn. Cô Lích, con gái ông Khoa một lần gọi bọn thằng Trường xuống bếp, múc cho mỗi thằng một bát bánh tròn trắng ăn với rau bắp cải luộc. Đó là bánh bột nếp nhào với đường bọc nhân đậu xanh. Nước ngọt, bánh dẻo, nhân ngậy ăn với miếng rau cải bắp trắng luộc nhừ, trôi xuống dạ dày rồi vẫn còn thơm. Mãi sau này bọn Trường mới biết đấy là “bánh trôi nước” - loại bánh nổi tiếng mà bà Hồ Xuân Hương đã từng viết trong một bài thơ cùng tên.

 Có một kỷ niệm hồi còn trọ học mà thằng Trường chả dám kể với ai, kể cả với bố mẹ của nó. Một lần tò mò đi xem cô Rỉ, người trong làng chết đuối ở sông Vạc được người làng vớt lên để trên đê; trở về nó cứ bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh một cái xác trương phềnh trong áo bông đen. Mặc dù mẹ nó đã lấy rơm đốt hơ xung quanh người, nhưng Trường ta vẫn không hết sợ. Khi về nhà trọ, giường có ba thằng thì Trường ta cứ chen nằm giữa. Mót tiểu nó cũng không dám dậy. Rồi một đêm, cố nín đến mức không chịu nổi, nó tè ra quần thành một vũng. Cả đêm Trường không sao ngủ được, lo ngay ngáy khi trời sáng hai thằng nằm bên phát hiện ra rồi lên nói um trên lớp thì chỉ có… chết. Tuy vậy, hai thằng tồ cũng không hề biết gì; chỉ có cô Lích biết, vì “hiện trường” đám chiếu ướt đã… tố cáo kẻ thủ phạm. Nhưng cô Lích không nói với ai, khiến Trường ta phục cô lắm! Còn thằng Thông cũng là đứa sợ ma một… cây. Cứ mỗi lần đi học nhóm buổi tối trở về, ngang qua gốc cây thị cổ thụ tối om, nó lại hát rống lên “Ngẩng đầu hiên ngang ta nhắm thẳng vào đầu giặc Mỹ đó (chứ) ngẩng đầu hiên ngang ta quyết tiêu diệt chúng nó…”. “Tao vừa hát vừa chạy, nhưng vẫn cứ sợ, chúng mày ạ. Cứ như có người đuổi thình thịch đằng sau” - sáng hôm sau Thông bảo vậy!

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.