Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao trách nhiệm xã hội của báo chí

07:41, 26/07/2015
Những ngày qua, vụ thảm án ở Bình Phước gây xôn xao dư luận bởi hậu quả nghiêm trọng và sự manh động, liều lĩnh, tàn ác của thủ phạm.

Vụ án đã thu hút sự vào cuộc của đông đảo báo chí trong cả nước. Không chỉ cập nhật từng chi tiết của vụ án,  phỏng vấn những đối tượng chứng kiến, phóng viên các tờ báo còn đeo bám từng diễn biến phá án của cơ quan chức năng, thậm chí đưa ra những phỏng đoán, giả thiết về sự việc. Đặc biệt, nhiều tờ báo đã khai thác những khía cạnh bên lề của vụ việc, suy diễn về đời tư của các nạn nhân; thậm chí, phân tích phong thủy nhà nạn nhân hay phỏng vấn mà như hỏi cung người thân của các hung thủ - trong khi họ cũng đang đau đớn, bàng hoàng khi phát hiện hành vi phạm tội của con em mình. Sự nhanh nhạy của báo chí nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin của độc giả là cần thiết, tuy nhiên đã có nhiều tờ báo lợi dụng vụ thảm án này để “câu view” bằng cách đưa những thông tin suy diễn, võ đoán gây hoang mang dư luận và “nhiễu” thông tin làm khó khăn cho quá trình phá án, điều tra của cơ quan chức năng. Đến nỗi, Văn phòng Bộ Công an đã có văn bản gửi Công an tỉnh Bình Phước về việc chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin, trong đó nêu rõ: "Báo chí, đặc biệt là các báo điện tử và trang mạng xã hội đã thông tin quá nhiều, quá dồn dập về vụ án, trong đó có nhiều nội dung thông tin suy diễn chủ quan, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác điều tra của cơ quan Công an". Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đã phải chỉ đạo về việc thông tin tránh gây hoang mang dư luận về vụ án ở Bình Phước. Ông đã yêu cầu các cơ quan báo chí không thông tin gây áp lực dư luận đối với cơ quan điều tra, gây rối loạn thông tin. Ông Tuấn kêu gọi báo chí đừng “bàng quan, vô cảm trước nỗi đau và mất mát của người khác, đừng nhẫn tâm dẫn dắt công chúng mua vui bằng những tình tiết ly kỳ của tội ác”.

Trước tình trạng báo chí đưa tin giật gân, câu khách như trên, nhiều người làm báo nghiêm túc đã phải thốt lên: “Không thể chấp nhận cách làm báo kiểu này”. Quả thật, hiệu ứng thông tin từ báo chí là rất lớn, có khả năng định hướng, dẫn dắt dư luận nên cách đưa thông tin như thế nào là rất quan trọng, đòi hỏi người làm báo phải có lương tâm, trách nhiệm xã hội. Nhiều phóng viên bây giờ trước khi đưa thông tin gì thường chỉ chú ý đến mức độ thu hút, “câu view” của độc giả mà quên mất việc tự vấn xem thông tin ấy sẽ có tác động như thế nào đến người đọc, liệu hiệu ứng từ thông tin ấy có ảnh hưởng đến cuộc sống, hoạt động của cá nhân/tổ chức nào hay không. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh:

 “Là nghề nghiệp đặc thù, báo chí có vai trò rất quan trọng đối với xã hội. Hiệu ứng của thông tin báo chí qua những vụ việc như thế này có thể làm băng hoại đạo đức xã hội. Căn tính bạo lực luôn tiềm tàng đâu đó, báo chí đừng kích thích cái ác mà phải hướng thiện. Hiệu ứng thông tin báo chí đã từng xảy ra trong vụ án Lê Văn Luyện giết người. Khi bị cáo này bị đưa ra xét xử, có nhiều thanh thiếu niên đến tham dự phiên tòa vẫy tay chào bị cáo có vẻ như “ngưỡng mộ” và rất nguy hiểm nếu điều này lặp lại (…). Tất cả các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của báo chí đều có chế tài xử lý và cần được thực hiện nghiêm túc”.

Có lẽ, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước mạnh tay hơn nữa với cách làm báo kiểu giật gân, câu khách để hướng báo chí làm đúng chức năng, nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình. Còn với những người làm báo, phải luôn tự nhắc nhở mình phải luôn cẩn trọng trước mỗi thông tin, phải có trách nhiệm với người đọc, với nhân vật, với xã hội trong mỗi bài báo của mình.

Hải Hà


Ý kiến bạn đọc