Multimedia Đọc Báo in

Điệp khúc buồn

11:59, 03/04/2016
Trước thông tin S.T.C. (vừa học hết lớp 7) không còn được theo chúng bạn đến trường nữa mà phải ở nhà để theo… chồng đã khiến cho thầy cô giáo Trường THCS Chu Văn An (xã Ea Dah, huyện Krông Năng) không khỏi ngỡ ngàng. Không chỉ với thầy cô, bè bạn, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng bị “sốc”, mà nói như ông Đinh Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Dah là “khi nhắc đến chuyện này là lại thấy đau lòng!”.

S.T.C. là người dân tộc Mông. Bố mẹ em di cư tự do từ ngoài Bắc vào sinh sống nơi vùng rừng sâu thuộc thôn Giang Đông, xã Ea Dah. Không như chúng bạn cùng trang lứa, giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn, C. vẫn cố gắng học thật giỏi với mong ước đổi đời nhờ con chữ. Niềm khát khao đó đã giúp cô bé có thêm nghị lực vươn lên, nhiều năm liền là học sinh khá giỏi. Năm học 2013-2014, khi đang là học sinh lớp 7 của Trường THCS Chu Văn An, S.T.C. vinh dự được chọn đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc ở Hà Nội. Thế nhưng, niềm vui, niềm tự hào chưa trọn vẹn với thầy cô, bè bạn thì bước vào năm học mới 2014-2015, C. đã không được đến lớp với các bạn nữa bởi phải nghỉ học để lấy chồng. Đến bây giờ, ông Đinh Xuân Hạnh vẫn không nguôi day dứt: “Cháu rất ham học và học rất giỏi. Cháu quả thật là niềm tự hào của đồng bào Mông, của nhà trường cũng như xã Ea Dah chúng tôi. Nhưng thật đau lòng và tiếc cho tương lai tươi sáng của cháu phía trước. Cháu còn quá nhỏ để có thể dám đấu tranh, dám vượt qua hủ tục tảo hôn của gia đình, cộng đồng dân tộc mình”.

Vậy thì vai trò của các ban ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị cơ sở trong công tác vận động quần chúng thế nào? Như để trả lời câu hỏi này, ông Hạnh kể thêm một câu chuyện “đau lòng” nữa: Cách đây mấy tháng, ông H.B.G. (khi ấy là phó bí thư chi bộ thôn Giang Đông) tổ chức gả chồng cho con gái khi cháu chỉ mới… 16 tuổi. Trước đó, khi biết chuyện, xã đã mời ông G. lên làm việc, giải thích quy định của pháp luật, tuyên truyền, vận động, thuyết phục…, đủ các hình thức nhưng ông G. vẫn kiên quyết nói “KHÔNG”. Lý lẽ ông G. đưa ra chỉ đơn giản là vì: “Con gái lớn tuổi rồi, không để ở nhà nữa. Có đứa con trai nó cưới thì phải gả chồng thôi!”(!?). “Đến cán bộ của mình mà còn có nhận thức vậy thì làm sao nói để dân nghe” – ông Hạnh đành chịu chào thua.

Rõ ràng, “lý luận” của ông G., hay như trường hợp em C. lấy chồng khi chỉ vừa học hết lớp 7 là minh chứng đáng buồn cho những quan niệm, hủ tục lạc hậu đã và đang còn ăn sâu trong nếp nghĩ của rất nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông ở khắp các thôn buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Vậy nên, đã có không ít những câu chuyện buồn xoay quanh những ông bố, bà mẹ đang còn ở độ tuổi thiếu niên được các cơ quan thông tin đại chúng gióng lên hồi chuông cảnh báo. 

Chưa biết rồi đây tương lai của con gái ông G., em C. hay hàng trăm trường hợp khác là nạn nhân của hủ tục tảo hôn sẽ ra sao. Nhưng trước mắt, ai cũng biết chắc một điều rằng, bố mẹ các em, rồi đến chính các em vẫn chưa dứt ra được cái vòng luẩn quẩn giữa tảo hôn - đói nghèo – lạc hậu, như một điệp khúc buồn vọng mãi…

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc