Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ nhiễm vi rút Hata gây suy thận từ chuột cống

14:30, 23/11/2012

Thời gian gần đây, tại Hà Nội và Hồ Chí Minh xuất hiện một số trường hợp bị nhiễm vi rút Hata gây suy thận do bị chuột cống cắn. Riêng tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hai trường hợp bị nhiễm vi rút này nhưng được phát hiện và điều trị kịp thời, còn ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng đang điều trị cho 3 bệnh nhân.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân gần nhất khi nhập viện ở trong tình trạng sốt cao, ho, xuất hiện các nốt mẩn đỏ ở ngoài da, sau đó có các biểu hiện suy thận. Ban đầu các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nhưng sau khi điều trị bệnh không giảm, đã gửi mẫu xét nghiệm sang Viện Pasteur để kiểm tra và cho kết quả dương tính với vi rút Hata. Trước đó, bệnh nhân bị chuột cắn và sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị chuột cắn. Trong đó, anh Nguyễn Trung K. (34 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị chuột cắn chặt, nghiến sâu vào ngón tay khi gỡ chuột trong bẫy. Mặc dù đã tiêm phòng uốn ván nhưng sau đó anh K. vẫn phải nhập viện vì sốt cao, rét run. Các bệnh nhân khác cũng nhập viện trong tình trạng tương tự. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng phần lớn các trường hợp xuất hiện ban xuất huyết hoại tử tại chỗ, sốt rét, đau mỏi cơ.

Liên quan đến việc xuất hiện các ca bệnh suy thận do vi rút Hata, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi rút này tồn tại trên loài gặm nhấm, không gây bệnh cho loài này nhưng có thể gây bệnh trên người. Vi rút Hata gây sốt xuất huyết hội chứng thận và hội chứng phổi, là hai thể bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Vi rút này tồn tại ở nước dãi, chất thải của chuột. Hiện vi rút này chưa được khẳng định lây từ người sang người và cũng chưa có vắc xin đặc trị loại vi rút này.

Theo khuyến cáo của bác sỹ, người dân nếu bị các dấu hiệu giống sốt xuất huyết nhưng có tiền sử bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu, phân chuột thì cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Nếu điều trị sớm thì người bệnh chỉ cần khoảng 8-10 ngày sẽ hồi phục và sẽ không ảnh hưởng đến thận và những biến chứng khác. Với những người làm nghề sửa ống cống, sống tại các kho bãi có nhiều chuột cần đặc biệt lưu ý đến những biện pháp bảo vệ để tránh bị chuột cắn.

Được biết, trên thế giới, dịch bệnh do vi rút Hata gây ra đang hoành hành, ở Việt Nam mới xuất hiện vài trường hợp bị nhiễm vi rút Hanta gây suy thận do chuột cống gây ra.

K.O (nguồn website ĐCSVN)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.