Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ cán bộ, công chức biết... xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn?

12:56, 18/10/2014
Cách đây chưa lâu, một cô bạn tôi bức xúc kể chuyện đi khai sinh cho con ở một phường nọ. Tưởng đó là thủ tục đơn giản chỉ một lúc là xong, không ngờ cũng bị gây khó dễ đủ thứ, thậm chí còn được “gợi ý” rằng muốn làm xong nhanh chóng thì cứ chi ra ít tiền là được.
 
Cô bạn còn kể chuyện bố mình đi cắt hộ khẩu cho hai đứa cháu để chuyển khẩu sang một tỉnh khác, vì không “bỏ phong bì” nên ông chẳng những nhận được thái độ khó chịu, hạch sách của cán bộ nơi cửa công mà đến hôm nhận kết quả thì chỉ nhận được giấy cắt khẩu của một đứa cháu, hỏi lại thì được cán bộ trả lời "bữa sau làm tiếp đứa kia có sao đâu"!
 
Quả thật, không ít người cảm thấy e ngại khi có việc phải đến các cơ quan công quyền, không chỉ bởi ngại những thủ tục hành chính rườm rà mà còn bởi thái độ khó chịu, sách nhiễu của không ít cán bộ, công chức. Đó là những khuôn mặt cau có, lời nói cộc lốc, gắt gỏng, thái độ làm việc cứ như đang “ban ơn” dù trách nhiệm của những cán bộ, công chức ấy là phải “phục vụ” dân – những người đóng thuế để trả lương cho họ. Chính một vị lãnh đạo một cơ quan của tỉnh đã từng rất bức xúc khi gặp phải thái độ ấy ở một cán bộ phường trong lần đi đăng ký kết hôn của mình. Chị kể lại: “Tôi gặp một cô cán bộ phường nói như ra lệnh với thái độ khinh khi (không thèm ngước nhìn người đến làm thủ tục) song vẫn nén giận chờ làm cho xong việc. Nhưng đến khi chứng kiến vẫn thái độ ấy của cô cán bộ ấy đối với một bác đáng tuổi cha mình thì tôi không thể chịu được, phải có ý kiến chấn chỉnh ngay lập tức”.

Trong một cuộc họp về cải cách hành chính mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cán bộ, công chức phải biết “4 xin” và “4 luôn” khi giao tiếp và giải quyết công việc cho dân (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ). Nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã đề ra quy định về thái độ giao tiếp và thực thi trách nhiệm phục vụ nhân dân đối với cán bộ, công chức của mình. Song trên thực tế ở không ít cơ quan, đơn vị, những quy định ấy dường như... để cho có, chỉ là hình thức mà rất ít cán bộ, công chức tuân thủ.

Có lẽ, nếu cứ hô hào khẩu hiệu suông và chấn chỉnh chung chung thì chuyện cán bộ, công chức thực hiện “4 xin” và “4 luôn”, chuyện người dân không còn bị “hành là chính” vẫn chỉ là điều xa vời!

                                           Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.