Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trái phép

07:50, 04/09/2018

Với nỗ lực và quyết tâm cao, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thu hồi, vận động quần chúng nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép.

Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 73 km đường biên và địa bàn 4 xã biên giới gồm trên 22 nghìn khẩu với 22 dân tộc khác nhau, chủ yếu là dân tộc thiểu số tại chỗ. Do đời sống kinh tế xã hội nhiều khó khăn, thiếu thốn nên nhận thức về pháp luật của một số người dân còn hạn chế.

Thời gian gần đây, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã biên giới có chiều hướng phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn: giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, tranh chấp đất đai… Do đặc điểm khu vực 4 xã biên giới chủ yếu là diện tích rừng, một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số có thói quen đốt rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã nên hoạt động chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ vẫn còn xảy ra.

Trước thực trạng trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, phương thức hoạt động của các đối tượng. Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đơn vị phối hợp tổ chức nhiều buổi gặp mặt, tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phát các bản tin phổ biến văn bản pháp luật trên Đài phát thanh  xã.

Bộ đội Biên phòng tỉnh thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trái phép.
Bộ đội Biên phòng tỉnh thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trái phép.

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng còn phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người uy tín trên địa bàn, kết hợp vận dụng các biện pháp nghiệp vụ; đến gặp trực tiếp từng người, từng nhà để vận động, thuyết phục, kêu gọi quần chúng tích cực giao nộp vũ khí, vật liệu nổ trái phép. Đối với những cá nhân ngoan cố, không chịu giao nộp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân sự đến làm việc, đồng thời dùng các tài liệu, chứng cứ xác minh, thu thập được để đấu tranh, buộc phải giao nộp.

Triển khai đồng bộ các biện pháp nói trên, từ tháng 4-2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê và lập danh sách được 56 đối tượng có liên quan; thường xuyên quản lý, theo dõi tin tức, tài liệu đối tượng có dấu hiệu, hoạt động tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép trên địa bàn.

Song hành cùng vận động, đấu tranh với các đối tượng ngoan cố, các đơn vị còn biểu dương, tặng quà động viên cá nhân, tập thể có tinh thần tự giác cao. Nhờ sự khích lệ kịp thời mà quần chúng nhân dân ngày càng nhận thức tốt hơn việc chấp hành quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Từ tháng 4-2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thu hồi 59 khẩu súng các loại, 14 viên đạn, 3 mã tấu, 2 bình xịt hơi cay.

Anh Y Thư Rya (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) thành thật cho biết, bản thân từng sử dụng súng tự chế để săn bắt thú rừng, cải thiện cuộc sống và bảo vệ nương rẫy, mùa màng. Lâu nay anh nghĩ rằng đó là chuyện rất bình thường, nhưng khi chứng kiến cạnh nhà có hai trường hợp rủ nhau dùng súng cồn để bắn chim, rồi không may lại bắn hỏng mắt bạn mình; và một trường hợp nữa do không kiềm chế được bản thân nên mang súng đe dọa người khác, anh đã dần thay đổi suy nghĩ. Khi được bộ đội Biên phòng tuyên truyền, Y Thư càng nhận thức rõ hơn về mối nguy hại từ súng tự chế, nên đã tự giác giao nộp, đồng thời vận động bà con buôn làng tuân thủ pháp luật để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tương tự, ở cùng xã có ông Y Mai Niê cũng từng sử dụng vũ khí trái phép tại khu vực rẫy với mục đích săn bắn động vật. Khi được tổ công tác Đồn Biên phòng Sêrêpôk vận động, thuyết phục, ông Y Mai mới hiểu việc tàng trữ vũ khí trái phép có thể bị xử lý hình sự nên đã giao nộp một khẩu súng tiểu liên AK, một khẩu súng kíp và 14 viên đạn K56. Còn anh Vũ Đức Anh, người từng chế tạo súng kíp dùng cho săn bắn động vật đã tự nguyện giao nộp, đồng thời cam kết sẽ không sản xuất, tàng trữ trái phép vũ khí nữa, bởi: “Tôi nhận thấy việc mình làm là sai trái, có thể ảnh hưởng đến bản thân và gây nguy hiểm cho mọi người”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.