Multimedia Đọc Báo in

Xuất xứ cụm từ "ông hoàng thơ tình"

12:04, 03/04/2016

“Ông hoàng thơ tình” là chỉ nhà thơ Xuân Diệu, tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu. Vì Xuân Diệu làm thơ tình rất nhiều và rất hay, nên người ta “phong tặng” cho ông là “ông hoàng thơ tình”. Trước đây người ta chỉ gọi Xuân Diệu là thi sĩ của tình yêu chứ đâu có gọi là “ông hoàng thơ tình”. Vậy danh hiệu này bắt nguồn từ đâu?

Chả là vào dịp gần tết những năm 1960, Báo Hà Nội mới mời một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đến dự buổi họp mặt tại Tòa soạn bàn kế hoạch viết bài cho Báo số Tết Nguyên đán. Sau khi nhâm nhi vài chén, nhà thơ Xuân Diệu đã đỏ mặt, vì Xuân Diệu quen uống bia chứ không uống rượu. Nhìn thấy Xuân Diệu mặt đỏ tưng bừng, anh chàng thư ký tòa soạn nói vui:

-Anh Xuân Diệu có tác phẩm nổi tiếng tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương là “bà chúa thơ Nôm”. Danh hiệu ấy đều được cả nước thừa nhận. Anh cũng xứng đáng với một danh hiệu không gì hợp hơn là “ông hoàng thơ tình”.

Tất cả đều vỗ tay tán thưởng. Lúc ấy, nhà văn Nguyễn Tuân mắt lim dim, tay khua khua cái tẩu thuốc tán đồng ngay:

-Hay! Hay thiệt – rồi Nguyễn Tuân quay sang nhà báo Thép Mới nói tiếp: “Ông Thép mới này! Ta phải tung hô cái danh hiệu này lên trang văn nghệ các báo để bố cáo với bàn dân thiên hạ. Có nên không nhỉ, ông Diệu?”.

Nhà thơ Xuân Diệu cười hồn nhiên, tỏ vẻ ưng ý nên cười tít cả mắt.

Tuy vậy, phải hơn 20 năm sau danh hiệu “Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình” mới được các báo, đài nói tới. Ngày nay thì danh hiệu “Ông hoàng thơ tình” của Xuân Diệu đã trở nên quen thuộc với bạn đọc.

Lê Hồng Thiện

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.