Multimedia Đọc Báo in

Sau mưa lấp lánh (kỳ 4)

07:34, 28/12/2019

[links(left)]

Sớm hôm mai.

Quỳnh gặp Đông ở ngã tư.

Đen nhẻm. Gầy và phong trần. Đông giật mình khi nhận ra Quỳnh.

-Quỳnh đi đâu mà thơ thẩn vậy? Ở Sài Gòn mà tung tăng như vầy, coi chừng bị giật túi xách đó.

Câu đầu tiên sau mấy tháng không gặp nhau là sự hốt hoảng của Đông. Chắc Quỳnh trông ngơ ngơ như bò con lạc mẹ.

- Đi đâu Đông chở đi nè. Quỳnh không rành đường bằng mình đâu. Mình chạy xe ôm mà.

Giọng Đông tỉnh không. Ánh mắt nhìn Quỳnh rất trong và ấm.

Quỳnh ngồi sau lưng Đông, nhìn mọi thứ lướt qua sau vành mũ bảo hiểm cũ kỹ. Áo khoác bạc phếch, xe cũ ồn ào. Thốt nhiên Quỳnh thấy Đông tội nghiệp.

Đông đưa Quỳnh về ngõ hẻm. Dung quét ánh mắt nhìn từ đầu xuống chân Đông rồi buông lời gọn lỏn:

- Tưởng Đông quên đường đến đây luôn rồi. Lâu quá không đến nên Đông chưa biết tin Quỳnh có người yêu chứ gì?

- Quỳnh nói thì mình mới biết chứ - Giọng Đông tha thiết đến lạ lùng - Hồi nào đến giờ, mình vẫn luôn là người biết chuyện sau cùng mà.

Dung bảo Quỳnh vô tâm. Thì ra suốt mấy tháng nay việc làm gia sư, thợ hồ đã cuốn chặt lấy Đông. Ban ngày ở công trường, tối đến nhận giữ xe ở vũ trường. Vậy mà hôm nào đó Lin gọi điện bảo vừa gặp Đông ở vũ trường. Nghe thế Quỳnh đã lảng sang chuyện khác. Đâu có ngờ Đông làm giữ xe ở đó.

Quỳnh không biết rằng Đông cố gắng cũng chỉ đủ tiền mua được chiếc xe máy cũ kỹ. Đông đã xót xa khi thấy Quỳnh bước lên xe buýt và thường xuyên đứng suốt quãng đường, lúc bị xô bên này lúc bị xô bên kia vì xe chật như nêm, khi xuống đến bến thì lưng áo lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Mà cũng có khi vì hôm Quỳnh khóc sưng cả mắt vì xuống xe mới biết bị móc ví, mất hết giấy tờ, cả tiền ăn cả tháng.

**

*Có những ngày mặt trời ngủ quên sau núi…

Người nào chưa dầm mưa Tây Nguyên thì có lẽ xem như chưa đến Tây Nguyên.

Mùa mưa ở đây từ giữa mùa hè. Dai dẳng cho đến tháng 10, 11. Hễ không mưa thì thôi chứ mưa xuống là từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối. Mỗi lần mưa lại nhớ mặt trời. Những lúc đó đứa nào cũng mong giá như ngày nào trời cũng nắng thì hay biết mấy.

Quỳnh sợ nhất là mưa dầm. Mưa nối nhau chừng ba bốn ngày thì không còn quần áo để mặc. Nhưng sợ nhất không phải là quần áo không khô. Mà lúc nào mưa cũng thấy nhớ nhà khủng khiếp.

Hôm nào đó. Trời đổ mưa.

Mí vùi vào bếp mấy củ khoai lang, thằng cu Phu sục sạo lôi ra mấy trái bắp treo trên giàn bếp để dành cũng vùi vào tro nóng. Than hồng rực. Chỉ tích tắc cả gian nhà gỗ thơm lừng. Mùi khoai lang ngọt, bùi bùi. Mùi bắp ngọt, giòn tan. Đôi lúc hạt bắp bung nỏ thành tiếng tí tách. Mấy chị em chí chóe xông vào giành nhau. Chưa kịp ăn mà miệng đứa nào cũng đen nhẻm.

Mí thích nướng cá khô trộn với cà đắng. Ớt xanh giã chung với lá ớt, thêm chút muối hột nữa. Cá khô giã thiệt nhừ, xé tơi. Trộn mấy thứ với nhau. Ăn với cơm nóng. Cay xé đầu lưỡi nhưng nồi cơm cạn đến đáy.

Trời mưa ngồi yên trong nhà. Trời mưa mí nấu mấy món con thích. Vì thế mà lúc xa nhà, mỗi khi trời mưa nhớ ơi là nhớ. Chẳng thế mà năm lớp 10, lúc mới vào trường Quỳnh khóc suốt đó thôi.

Vậy mà H’Duyn không giống Quỳnh. H’Duyn không bao giờ bó gối ngồi nhìn mưa như Quỳnh. Duyn mải mê với sách vở. Lúc nào cũng thế với một khuôn mặt không buồn không vui.

- Duyn không bao giờ nhớ nhà hả Duyn?

- Không.

- Duyn không thích về nhà à? Cả học kỳ mình không thấy Duyn về thăm nhà đó.

- Nhà xa. Về tốn nhiều tiền, đi bộ năm cây số mới về đến nhà. Nên mình không về thôi.

Đôi lông mày H’Duyn hơi nhíu lại. Quỳnh ngồi xa xa, lắng tai nghe cuộc đối thoại của Duyn với nhỏ Lin - lớp phó đời sống. Sực nhớ là chưa bao giờ nghe Duyn nói về nhà mình cả. Quỳnh không biết gì về Duyn hết. Cả phòng tám đứa cũng không ai biết gì về Duyn. Cô bé ấy lúc nào cũng như cái bóng. Lặng lẽ đến mức đôi khi phòng số 29 của Quỳnh quên mất sự tồn tại của Duyn.

Sao Duyn không nhớ nhà được nhỉ? Chẳng bù với Quỳnh, suốt ngày nhắc chuyện mí mình, aduôn mình, rẫy nhà mình, con heo còi nuôi hai năm nhà mình… Rồi An, rồi Di, cả lớp phó đời sống cũng thế. Thậm chí mấy đứa con trai như lớp trưởng cũng vậy.

* Điều gì khi được khám phá bạn cũng sẽ thấy thú vị hơn cả sự tưởng tượng.

Cô giáo chủ nhiệm lớp Quỳnh rất trẻ. Cô có mái tóc cắt ngắn ôm lấy khuôn mặt hơi bầu bầu. Cũng có hôm cô đến lớp nhưng tóc lại cứ xòe tứ tung không theo một trật tự nào (có lẽ tối qua cô gội đầu rồi đi ngủ lúc tóc chưa khô hẳn), thế là cô xuống lớp xin một cọng thun, buộc túm chúng lại phía sau nhìn rất chi là ngộ nghĩnh.

Cô là người Êđê như Quỳnh, như lớp trưởng nhưng tuyệt nhiên cô không biết nói một tiếng Êđê nào. Khi cô vừa nhận chủ nhiệm lớp, biết được điều đó, lớp Quỳnh không thích cô, có đứa bảo cô là Êđê mà không giống Êđê, cô mất gốc rồi. Chỉ có Phiên là phản đối. Phiên khăng khăng:

- Cô sống ở thành phố thì không biết tiếng Êđê cũng là chuyện bình thường thôi mà.

- Bình thường gì đâu. Mình thấy cô giống người Kinh nhiều hơn.

Chỉ vậy mà cãi nhau kịch liệt. Quỳnh cũng trong số phản đối cô, Quỳnh nghĩ mình không thích cô lắm. Cũng không rõ lý do nữa.

Nhớ lại những ngày đầu tiên cô nhận công tác chủ nhiệm, lớp phó lao động Y Huynh đứng dậy hỏi:

- Cô ơi, nhà trường đã chia đất cho lớp mình trồng rau. Lớp mình nên trồng rau gì hả cô?

- Trồng rau hả?

Cô tròn mắt, hai tay xoáy mạnh vào nhau, hình như cô có vẻ lúng túng:

- Từ hồi nào đến giờ cô chưa trồng rau bao giờ nên cô cũng không rành nữa. Theo em nên trồng rau gì?

Cả lớp cười ồ. Mặt cô đỏ ửng lên, ra chiều rất bối rối. Lớp phó lao động nhoẻn cười.

- Thưa cô, trồng rau muống nhanh lên nhưng ít nước tưới thì rất vất vả. Trồng rau mồng tơi thì các bạn lớp mình không chịu vì rau mồng tơi nấu cho bếp ăn tập thể thì không ngon. Theo em, lớp mình trồng rau cải là tốt nhất. Rau cải dễ chăm, khi bán cân nặng hơn mấy rau khác và không mất nhiều công ạ.

Nghe lớp phó lao động thao thao một hơi, cả lớp nhao nhao hưởng ứng. Cô chỉ cười:

- Vậy thì lớp mình trồng rau cải. Hồi nhỏ đến giờ cô đâu có biết trồng rau. Lớp mình giỏi quá. Các em cố lên nha.

Cả lớp vỗ tay ầm ầm. Mấy đứa con gái nhìn nhau cười “Cô mình dễ thương quá chừng”.

Sau đó chừng hai tháng rưỡi. Sau buổi dạy của cô, lớp phó lao động mang lên bàn cô một bó rau to tướng, giọng trịnh trọng :

- Thưa cô, đây là rau của lớp mình. Lớp cho cô. (Ui, học sinh dân tộc mà, đâu biết dùng từ cho trịnh trọng hơn. Hèn gì lúc lớp phó lao động vừa tuyên bố xong, cả lớp cười nghiêng cười ngả)

- Rau lớp mình - Cô tỏ vẻ ngạc nhiên tột độ - Sao bữa trước cô thấy nhỏ xíu mà?

- Dạ, tụi em tưới nước không à, không có bỏ phân xanh đâu cô nên rau sạch lắm.

Lớp phó lao động vốn thật thà nên nghĩ gì nói nấy. Vừa nói xong thấy cả lớp lại thêm một trận cười nữa thì anh chàng có vẻ mắc cỡ. Thấy vậy cô cười tủm tỉm, vừa nhấc nhấc bó rau như muốn đo thử nặng nhẹ:

- Vậy cô xin, cảm ơn cả lớp nghe. Giá như ngày nào cũng có rau như thế này thì hay quá.

Cô đi rồi, mấy đứa con gái thì thào:

- Mai cắt rau cho cô nữa nha. Cô thích mà.

- Không được - Bọn con trai la làng - Cô nói vậy chứ ăn rau hoài ớn lắm. Mình ăn mình biết mà.

Càng tiếp xúc với cô giáo chủ nhiệm, tụi học trò ồn ào như Quỳnh càng phát hiện cô rất thú vị, đôi khi hồn nhiên không khác mấy với bọn học trò như Quỳnh. Có lẽ vì cô vừa mới ra trường. Hôm nào đó, cô chạy xe máy đến trường, tà áo dài vướng vào hộp số xe, máy xe nóng nên đốt luôn áo dài của cô lủng một mảng lớn, tụi Quỳnh đưa cô lên phòng của mượn quần áo để lên lớp. Hôm đó đi ngang qua lớp A2, nhìn cô mặc áo của Phiên, quần của An mà tụi Quỳnh khúc khích mãi.

Rồi chuyện cô mang xuống cho phòng bọn con gái hũ me ngâm. Cô bảo học được cách làm me ngâm ở trên ti vi, nhưng không dè gọt me cực quá, nhưng lỡ mua rồi nên phải gọt cho hết, sứt hết mấy đầu ngón tay. Vừa nói cô vừa chìa cho mấy đứa xem mười đầu ngón tay của mình: ngón nào cũng dính nhựa, có ngón bị đứt sâu hoắm…

Cũng có lẽ vì những điều nhỏ nhặt ấy mà con gái lớp Quỳnh thương cô từ lúc nào không rõ nữa.

Tay cô không đeo nhẫn, mấy đứa nói cô chưa có chồng, mà hình như cô cũng chưa có người yêu, vì cô luôn đi làm một mình (kể cả lúc trực giờ tự học ban đêm) mà chẳng có ai đến đón như các cô giáo trẻ khác. Có lần nào đó, mấy đứa con gái thấy một chàng trai chở cô xuống trường, ngày hôm sau, tụi nó níu tay cô, mặt ỉu xìu:

- Chú hôm qua là bạn trai cô hả? Chú đó xấu òm, lại còn thấp hơn cô quá trời. Tụi em không thích cô có bạn trai xấu như vậy đâu.

 Cô giáo chủ nhiệm trợn mắt nhìn rồi cười tủm tỉm:

- Chứ cô tìm bạn trai đẹp hơn bằng cách nào? Mấy đứa chỉ cô thử xem.

Thế là cả bọn nhao nhao, đứa bảo giới thiệu anh trai, đứa bảo giới thiệu chú út, đứa bảo giới thiệu anh con nhà hàng xóm. Mãi lát sau cô mới thì thầm:

- Cô cảm ơn mấy đứa nghen. Cô sẽ nhờ.

Cô đi xuống văn phòng, nhưng đi được mấy bước thì quay lại, cười cười.

- À, sáng nay xe bị lủng lốp, cô phải đi xe ôm. Cái chú thấp thấp xấu trai đó là ông xe ôm đó nghen.

Trời. Vậy mà cô không nói sớm, làm con gái cả lớp lo cô mình đẹp mà phải lấy chồng xấu trai. Vậy mới biết lớp Quỳnh thương cô đến thế nào.

(Còn nữa)

 Truyện dài của Niê Thanh Mai


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Cung bậc tình yêu
10:29, 26/03/2019
Cơn gió mùa xuân
16:15, 15/02/2018
Những người bạn
15:14, 28/05/2017
(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.