Multimedia Đọc Báo in

Thông tin nông nghiệp nước ngoài

16:57, 23/07/2011

1. Lần đầu tiên công bố bản đồ gen khoai tây
Tạp chí Nature số ra tháng 7-2011 đã chính thức công bố trật tự hệ gen của cây khoai tây,  cây lương thực quan trọng hàng thứ 3 trên thế giới hiện nay, thuộc nhóm cây Solanaceae, họ hàng với cây cà chua, ớt và cà tím. Bản đồ gen khoai tây hay còn gọi là bản đồ chi tiết di truyền khoai tây ra đời giúp khoa học hiểu sâu về quá trình phát triển, sinh trưởng của loại cây trồng này cũng như tạo cơ hội rút ngắn thời gian ra đời giống cây trồng mới (khoảng 10-12 năm). Đây là công lao của các nhà khoa học thuộc nhóm Teagase (Ireland) và các nhà khoa học thuộc 14 quốc gia khác kể từ năm 2006. Theo bản đồ gen này thì khoai tây chứa xấp xỉ 39.000 gen mã hóa protein. Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại con người biết được 90% số lượng gen trong 12 nhiễm sắc thể của khoai tây. Chi tiết cụ thể bản đồ gen này được công bố trên trang website, địa chỉ www.potagemone.net.

2. Thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm giảm khí thải và tiết kiệm năng lượng
Các chuyên gia ở Đại học Oxford (Anh)  và Amsterdam (Hà Lan) vừa kết thúc nghiên cứu và phát hiện thấy, công nghệ sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm, sử dụng kỹ thuật mô hay còn gọi là thịt nhân tạo có thể tiết kiệm được tới 45% năng lượng, giảm 96% hiệu ứng khí nhà kính, giảm 99% nhu cầu về đất đai và 96% nhu cầu về nước so với kỹ thuật chăn nuôi truyền thống. Sản xuất thịt bằng kỹ thuật mô (Tissue engineering) là cấy các tế bào mô lấy từ cơ bắp của động vật như lợn, gà, trâu, bò, cá... Các tế bào này sẽ được cấy, kéo căng, sau đó chuyển chúng sang dạng màng nhầy, tác động làm nở ra để tăng độ dầy, cuối cùng tạo ra những miếng thịt giống như vừa lọc ra từ cơ thể động vật.  Các chuyên gia Đại học Maastricht ( Hà Lan) và New York (Mỹ) vừa nuôi trồng thành công thịt bò và cá vàng, tuy nhiên chất lượng và màu sắc chưa đạt tới độ thuần thục như thịt nguyên thủy. Theo tính toán của các nhà khoa học,  chỉ cần 10 tế bào gốc ban đầu có thể tạo ra 50.000 tấn thịt bằng phương pháp nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trong vòng 2 tháng.

3. Rắn  bạch tạng đột biến hai đầu
Tại vườn thú Skazka ở thành phố Crimeam,Yalta (Ukraina) hiện đang giới thiệu một con rắn bạch tạng lạ, có hai đầu rất đẹp. Đây là loài rắn có nguồn gốc từ California (Mỹ), có hai đầu tách biệt nhau nhưng lại có khả năng ăn uống giống nhau. Thậm chí còn tranh giành thức ăn của nhau nên rất ngộ nghĩnh. Rắn bạch tạng 3 tuổi này dài 60 cm, mượn từ một vườn thú của Đức, dự kiến sẽ giới thiệu đến hết ngày 15-9-2011.

4. Màng PDMS có tác dụng diệt muỗi và chống bốc hơi nước cho ruộng lúa
Các chuyên gia ở Đại học Wageningen (Hà Lan) vừa nghiên cứu phát minh ra một loại màng dạng dịch từ hóa chất có tên là Polydimethysiloxane, gọi tắt là màng PDMS, tên thương phẩm là Aquatain. Thực chất đây là một loại màng dịch lỏng có thể áp dụng trên bề mặt nước, nhất là các ruộng lúa nước. Màng PDMS được sử dụng thí nghiệm thành công tại Kenya và nhiều nơi khác trên thế giới. Lợi thế của màng Aquatain là có tác dụng tiêu diệt muỗi, hạn chế căn bệnh do muỗi lan truyền thường gặp ở các quốc gia nông nghiệp vùng cận Sahara và Đông Nam Á, làm tăng năng suất lúa, tiết kiệm được nguồn nước trong khi đó lại không độc hại cho môi trường lẫn con người bởi có chứa các thành phần chống bốc hơi nước và các thành phần có trong xà phòng.

KN (Theo SD/TSS -6-2011)

Ý kiến bạn đọc