Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo trang phục của người Chăm Islam ở Nam Bộ

09:13, 17/01/2021

Hiện nay các tỉnh Nam Bộ có khoảng 33.000 người Chăm cư trú, tập trung ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và một số ít ở Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang… Trong đó, An Giang là tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất với khoảng 14.000 người.

Trang phục của người Chăm Islam ở Nam Bộ thể hiện những giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng. Đó là những sản phẩm vừa được kế thừa từ trang phục truyền thống của người Chăm Trung Bộ, cũng vừa được kết hợp với những nét đặc trưng trong trang phục của tín đồ Islam. Bên cạnh đó, họ còn đón nhận những yếu tố từ văn hóa các tộc người cận cư. Trang phục đã trở thành hình ảnh nổi bật của văn hóa Chăm đối với bất kỳ ai tiếp xúc với cộng đồng này.

Trang phục của đàn ông Chăm.
Trang phục của đàn ông Chăm.

Trang phục mặc phía trên của đàn ông Chăm là áo, phía dưới là xà rông, ngoài ra họ còn phải đội mũ cả khi ra khỏi nhà lẫn khi ở trong nhà. Chiếc mũ thông dụng mà họ hay đội là kapeak - hình ảnh chung thường thấy ở nam giới theo đạo Islam trên thế giới. Riêng những người đàn ông đã hành hương sang thánh địa Mecca được tôn kính mang tước hiệu Hadji sẽ đội khăn vuông gọi là khăn hadji. Các ông Imam (người điều hành các nghi lễ trong thánh đường) cũng được phép đội khăn này để tôn lên vẻ trang trọng.

Về trang phục mặc trên, thường ngày nam giới mặc áo tự do, trong những dịp quan trọng thường mặc áo sơ mi. Tuy nhiên, chiếc áo truyền thống của phái nam là áo chvéa. Đây là loại áo rộng màu trắng, dài quá mông, cổ cao khoảng 3 - 4 cm, từ cổ xẻ dọc xuống tới ngực áo và cài nút, tay áo dài và hơi rộng, áo có hai túi phía dưới. Trang phục mặc bên dưới của nam là xà rông dài tới cổ chân.

Theo giáo luật Islam, nữ giới phải choàng khăn che kín mặt và phủ cả hai tay, chỉ chừa đôi mắt; đặc biệt là phải che phần tóc. Song người Chăm Nam Bộ đã linh động “tiết chế” để người phụ nữ dễ dàng trong sinh hoạt hơn, họ không cần che kín mặt mà chỉ che mái tóc là được. Phụ nữ từ 15 tuổi trở lên bắt buộc phải choàng khăn, trẻ em dưới 15 tuổi có thể choàng hoặc không.

Khăn choàng tóc có tên là khanh ma-om hay còn gọi là matera, thường được làm từ vải mịn và mỏng. Chiếc khăn không chỉ là phụ kiện tôn thêm nét đẹp cho người phụ nữ mà còn thể hiện nghệ thuật của người Chăm. Trên mặt khăn thêu nhiều hoa văn đa dạng, rìa khăn được viền bằng kim tuyến sặc sỡ. Ở nhà, người phụ nữ thường sử dụng các loại khăn đơn giản, ít màu sắc và họa tiết. Khi dự tiệc, họ thường sử dụng các loại khăn được trang trí sặc sỡ hơn.

Trang phục phía trên của nữ giới phổ biến là áo vải cổ trái tim, trang phục mặc bên dưới là váy. Tùy theo nguyên liệu, hoa văn trang trí, mục đích sử dụng… mà họ có những loại váy khác nhau: Khanh kak (chất liệu tơ, màu sậm, dành cho phụ nữ lớn tuổi); khanh keh (làm từ chỉ kim tuyến lộng lẫy); khanh pà thuộm (dệt từ tơ tằm, nhiều họa tiết cổ điển, sử dụng trong nghi lễ). Hoa văn trên váy thường được thiết kế nổi bật với màu sắc tươi thắm.

Nghề dệt vải của người Chăm Nam Bộ.
Nghề dệt vải của người Chăm Nam Bộ.

Ngoài ra, trong các dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng, nữ giới Chăm thường mặc áo dài truyền thống gần giống với áo dài người Việt, họ gọi là aw kamei. Áo rộng và dài tới gối, cổ thường có hình trái tim hoặc hình tròn, không xẻ tà, khi mặc phải tròng từ trên đầu xuống. Giới trẻ thường mặc áo dài quá đầu gối, tay áo bó sát vào cánh tay, thân hơi rộng. Có loại dài đến gót chân, ôm sát thân người.

Nhìn chung, trang phục của người Chăm vừa đảm bảo tính thích ứng, vừa mang tính thẩm mỹ, đồng thời là nơi họ sáng tạo và lưu truyền những giá trị văn hóa tộc người. Ngày nay, trang phục đã được cách tân khá nhiều nhưng vẫn không làm mất đi đặc trưng văn hóa.

Vĩnh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.