Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ môi trường từ các tổ dân cư tự quản

07:57, 22/11/2018

Xác định người dân là chủ thể của việc bảo vệ môi trường, những năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Buôn Đôn đã nhân rộng mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" góp phần thay đổi hành vi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trên địa bàn.

Từ mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” của Ủy ban Trung ương MTTQVN xây dựng tại thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl) năm 2015, năm 2017, Ủy ban MTTQVN huyện Buôn Đôn đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng 3 khu dân cư điểm tự quản bảo vệ môi trường của huyện tại thôn Hà Bắc (xã Ea Wer), thôn 15 và thôn 16 (xã Tân Hòa). Sau hơn một năm đưa vào hoạt động, mô hình đã mang lại kết quả khả quan, được người dân hưởng ứng, có sức lan tỏa nhanh.

Đơn cử như thôn 9 (xã Tân Hòa), gần một năm nay, người dân ở đây không còn ám ảnh với cảnh mỗi lần xe tải trọng lớn chạy qua là các loại bao ni lông từ những bãi rác tự phát ở dọc tỉnh lộ 1 bay theo rồi tấp vào trong nhà. Có được sự chuyển biến này là nhờ cuối năm 2017, Ban công tác Mặt trận thôn 9 thành lập “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, vận động 100% gia đình trong thôn tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường với các nội dung như: mỗi gia đình đều phải có vật dụng chứa rác thải, không vứt rác bừa bãi ra đường, không chặt phá cây xanh... Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 200 nghìn đồng theo quy ước của thôn. Định kỳ 3 tháng/lần, người dân thôn 9 lại ra quân thu gom rác thải, vệ sinh, phát quang đường sá nội thôn và dọc tỉnh lộ 1 đoạn qua thôn. Hiện nay, việc tự quản bảo vệ môi trường ở thôn đã đi vào nền nếp và hình thành nên những đoạn đường kiểu mẫu bảo vệ môi trường.

Người dân thôn 15 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) bỏ rác đúng nơi quy định.
Người dân thôn 15 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) bỏ rác đúng nơi quy định.

Đại diện Ban công tác Mặt trận thôn 9 cho biết thêm, trước đây người dân sống ở khu vực lô 2, lô 3 của thôn thường xuyên mang rác sinh hoạt ra bỏ ngoài tỉnh lộ 1 vì xe thu gom rác thải chỉ hoạt động trên tuyến đường này. Sau khi xây dựng mô hình, Ban chỉ đạo khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường thường xuyên phối hợp với Ban tự quản thôn tuyên truyền, vận động bà con sinh sống ở khu vực lô 2, lô 3 mỗi gia đình tự đào hố rác để xử lý rác ngay tại nhà. “Chúng tôi xem bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa, từ đó hình thành cho bà con ý thức tự giác bảo vệ môi trường sống xung quanh nhà mình”, ông Lê Xuân Trứng, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 9 nhấn mạnh.

 

“Với phương châm sạch từ mỗi gia đình, từ khi hình thành "Khu dân cư bảo vệ môi trường", người dân  trong thôn đã xây dựng quy ước: Cây xanh ở trước nhà nào, nhà đó phải chăm; nhà ai có rác phải tự thu gom, phân loại và xử lý. Đồng thời, lồng ghép bảo vệ môi trường vào các kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới vì môi trường xanh - sạch - đẹp”.

 
 
Bà Mộng Thị Bình, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn

Tương tự, "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" thôn Hòa Thanh (xã Ea Nuôl) là mô hình do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Nuôl phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập đầu năm 2018. Ngoài trồng và chăm sóc hơn 100 cây xanh xung quanh hội trường thôn, những thành viên trong Ban chỉ đạo "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" thôn thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường thông qua việc chủ động phân loại, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chăn nuôi và nhất là chất thải thuốc bảo vệ thực vật. Bà Hoàng Thị Mai, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hòa Thanh chia sẻ: "Thôn có hơn 70 hộ dân, chủ yếu trồng cà phê, nên việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều. Trước đây, bà con thường vứt bừa bãi chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật trong vườn cà phê, nhưng nay đã biết gom lại, phân loại và xử lý".

Không chỉ tập trung cho những khu dân cư điểm của huyện, năm 2018, Ủy ban MTTQVN huyện Buôn Đôn bắt đầu nhân rộng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” ở mỗi xã 3 thôn, buôn và hỗ trợ 3 triệu đồng/thôn, buôn để có kinh phí hoạt động. Việc thành lập các "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực, đồng thời phát huy trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở và Ban công tác Mặt trận các thôn, buôn. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý những hành vi vi phạm về môi trường; người dân phát huy được vai trò của cộng đồng dân cư tại khu vực đang sinh sống.

Người dân thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) chăm sóc cây xanh trên trục đường chính của thôn.
Người dân thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) chăm sóc cây xanh trên trục đường chính của thôn.

Tuy nhiên, dù đã góp phần cải thiện môi trường sống xung quanh khu dân cư, song hoạt động của các mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” vẫn còn gặp nhiều hạn chế như: địa bàn các xã rộng nên xe thu gom rác thải chưa đi được vào các khu vực dân cư xa trục đường chính; một bộ phận dân cư vẫn còn giữ thói quen vứt rác tùy tiện;  kinh nghiệm tuyên truyền của một số Ban tự quản khu dân cư vẫn còn non yếu chưa đi sâu vào người dân...

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.