Multimedia Đọc Báo in

Nhiều cầu treo hư hỏng: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

08:10, 07/06/2019
Hiện nay, nhiều công trình cầu treo trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.
 
Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 30 cầu treo nằm rải rác trên địa bàn các huyện: Krông Bông (11 cầu), Buôn Đôn (5 cầu), Krông Năng (7 cầu), Ea Kar (3 cầu), Lắk (1 cầu), Krông Ana (1 cầu), Cư M'gar (1 cầu) và thị xã Buôn Hồ (1 cầu). Hầu hết các cầu này được xây dựng từ năm 1998 - 2017 bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
 
Trong đó có 4 cầu được xây dựng trong giai đoạn 2001 – 2010 thuộc Dự án Hỗ trợ nguồn nước do Chính phủ Đan Mạch tài trợ và nguồn ngân sách tỉnh; 9 cầu được xây dựng, đưa vào khai thác trong giai đoạn 2015 – 2016 thuộc Dự án đầu tư xây dựng 186 cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; 2 cầu xây dựng bằng nguồn vốn ADB tài trợ thuộc Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên tại Đắk Lắk; 3 cầu xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2007 - 2013; 2 cầu do doanh nghiệp tài trợ xây dựng vào các năm 2008, 2013 và 10 cầu do người dân tại các địa phương đóng góp tiền của, ngày công xây dựng.
 
Cầu treo thôn Đồi Cầy, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) được làm tạm bợ.
Cầu treo thôn Đồi Cầy, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) được làm tạm bợ.
Qua kiểm tra thực tế, hiện nay một số cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp. Tại huyện Buôn Đôn có cầu Ea Ly (xã Ea Wer) hư một số tấm mặt cầu bằng thép; cầu thôn 8 (xã Ea Huar) bị mất cáp chống sóng dọc. Tại huyện Krông Bông có cầu buôn Khanh (xã Cư Pui) và cầu Cư Đrăm (xã Cư Đrăm) hệ thống cáp chủ bị chùng, võng, không bảo đảm ATGT; cầu buôn T'liêr (xã Hòa Phong) mố cầu bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông… Đặc biệt, đối với 10 cầu do người dân đóng góp xây dựng tất cả đều không có hồ sơ thiết kế, không bảo đảm kỹ thuật.
Trong tổng số 30 cầu treo trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ còn 6 cầu đang sử dụng bình thường gồm: cầu thôn 8, xã Ea Wer (Buôn Đôn); cầu thôn 2 và thôn 6, xã Hòa Lễ (Krông Bông); cầu Ea Chai, xã Bình Hòa (Krông Ana); cầu Cố Kính (thị xã Buôn Hồ) và cầu thôn Bình Minh (huyện Krông Năng).

Chẳng hạn như cầu treo thôn Đồi Cầy, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) thời gian sử dụng 15 năm, mặt cầu được làm rất tạm bợ. Quan sát thực tế cho thấy, vật liệu làm cầu chủ yếu được tận dụng từ tre, nứa, gỗ tạp, có kết cấu đơn giản, cáp cầu do thời gian sử dụng lâu nên bị rỉ sét hoàn toàn, thêm vào đó độ cao lan can không bảo đảm nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Tương tự, tại huyện Krông Năng có đến 6 cầu do người dân tự làm tại xã Ea Dah, Phú Xuân và Tam Giang, hầu hết mặt cầu được làm bằng gỗ nên các thanh gỗ bị mục, rơi nhưng không được thay thế nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ông Tô Quang Dịnh, Phó Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải) cho biết, hầu hết các công trình cầu treo hư hỏng do thời gian sử dụng lâu, nhất là đối với các cầu do người dân làm một cách tự phát, không theo quy chuẩn nào, thêm vào đó nguyên vật liệu làm cầu cũng không bảo đảm (mặt cầu chủ yếu làm bằng gỗ tạp). Trong khi đó, đối với một số cầu được xây dựng theo Đề án 186, trong quá trình sử dụng đã bị kẻ gian cắt trộm dây cáp ở lan can cầu. Ngoài ra, công tác quản lý cầu trên các tuyến đường nông thôn còn nhiều bất cập. 
 
Cán bộ Sở Giao thông vận tải kiểm tra cầu treo thôn 8, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn).
Cán bộ Sở Giao thông vận tải kiểm tra cầu treo thôn 8, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn).
Cụ thể, UBND cấp huyện, xã và chủ quản lý, sử dụng chưa thực hiện đầy đủ công tác vận hành, khai thác và bảo trì theo quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT, ngày 29-4-2014 về hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn. Một nguyên nhân khác nữa là công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cầu treo tại địa phương chưa được phân cấp rõ ràng dẫn đến hầu hết các địa phương hằng năm không có kế hoạch bố trí vốn để duy tu, bảo dưỡng công trình cầu trên địa bàn.
 
Trước thực trạng trên, cuối năm 2018, đầu năm 2019, Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra thực tế, thống kê các vị trí hư hỏng để đề xuất giải pháp sửa chữa, khắc phục, bảo đảm cho người dân đi lại an toàn. Qua đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ công tác quản lý cầu treo theo quy định. Đặc biệt, đối với 10 cầu do người dân tự làm, nguy cơ tai nạn giao thông cao, các địa phương cần xem xét việc dừng khai thác các cầu này, đồng thời đề xuất chủ trương xây dựng cầu mới, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại.
 
Hoàng Tuyết
 

Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.