Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp một số quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2019

10:20, 12/07/2020

Hỏi: Tôi có một cửa hàng buôn bán hải sản tươi sống tại chợ và có thuê H. bốc dỡ hàng hóa và trông coi cửa hàng. Thời gian đầu H. làm việc rất chăm chỉ, tuy nhiên gần đây H. thường xuyên tự ý bỏ việc 7 ngày liên tiếp mà không có lý do chính đáng. Tôi được biết, từ ngày 1-1-2021 Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ có hiệu lực, xin hỏi theo quy định của Bộ luật trên, tôi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với H. không? Khi chấm dứt hợp đồng lao động, tôi có cần báo trước cho H. biết không?

(Nguyễn Văn B.)

Trả lời: Tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

“a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 6 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động”.

Như vậy, theo quy định trên thì anh B. có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã ký kết với anh H., vì anh H. đã tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng 7 ngày liên tiếp. Đồng thời, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì anh B. không phải báo trước cho anh H. biết theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019: “Khi đơn phương chấm dứt hợp động quy định tại điểm d và e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động”.

 

Hỏi: Tôi đang làm việc cho một công ty cổ phần theo hợp đồng lao động có thời hạn. Sau một thời gian làm việc, tôi thấy mức lương được nhận chưa tương xứng với khối lượng công việc mình đã làm. Xin cho biết, từ ngày 1-1-2021 tôi có được yêu cầu với công ty sửa đổi nội dung về mức lương trong hợp đồng lao động đã giao kết không?

(Nguyễn Văn C.)

Trả lời: Điều 33 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định:

“1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động hay người lao động đều có quyền đề xuất việc sửa đổi, bổ sung bất kỳ nội dung nào của hợp đồng lao động. Đối với trường hợp của bạn C.,  khi bạn cho rằng mức lương mình được nhận chưa tương xứng với khối lượng công việc bạn đã làm thì bạn có quyền đề xuất công ty sửa đổi, bổ sung nội dung về tiền lương trong hợp đồng lao động đã giao kết. Khi thực hiện việc yêu cầu nêu trên, bạn C. phải báo cho công ty biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để công ty nghiên cứu và chuẩn bị cho việc đàm phán thương lượng về nội dung yêu cầu đó.

Hỏi: Từ ngày 1-1-2021, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp nào?

(Trần Xuân V.)

Trả lời: Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm:

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

(Còn nữa)

Hoàng Thị Hiền (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.