Multimedia Đọc Báo in

Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình Thủy điện Sêrêpôk 3: Phiên xét xử phúc thẩm tuyên hủy các Quyết định của UBND huyện Buôn Đôn

08:58, 23/04/2014
TAND tỉnh Dak Lak vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện quyết định hành chính giữa nguyên đơn là bà Thái Thị Xuân Lan, trú ở tổ dân phố 4, khối 7, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột và bị đơn là Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn liên quan đến một số quyết định của UBND huyện trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình Thủy điện Sêrêpôk 3. (Liên quan đến vụ việc này, Báo Dak Lak đã có nhiều tin bài phản ánh những sai phạm nghiêm trọng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại công trình Thủy điện Sêrêpôk 3).

Bị đơn: “Tiền hậu bất nhất”

Bà Thái Thị Xuân Lan và chồng là ông Nguyễn Hoanh có 37.970m2 đất nông nghiệp ở buôn Ko Đung, xã Ea Nuôl và 68.824m2 đất ở xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn), được gia đình canh tác ổn định từ năm 1999, không có tranh chấp. Năm 2008, Hội đồng bồi thường và hỗ trợ tái định cư huyện Buôn Đôn thu hồi 37.970m2 tại buôn Ko Đung của gia đình bà Lan để thi công lòng hồ công trình thủy điện Sêrêpôk 3. Năm 2009, đơn vị này tiếp tục thu hồi 68.824 m2 đất của bà Lan tại xã Tân Hòa để sử dụng vào mục đích bố trí đất tái định canh. Trong quá trình này, bà Lan đã có đơn khiếu nại đến UBND huyện Buôn Đôn yêu cầu bồi thường đối với 2 hồ nuôi cá (được xây dựng theo kết cấu bể nước) trên diện tích bị thu hồi tại khu vực lòng hồ, 1 căn nhà vách ván và 1 giếng khoan trên diện tích đất bị thu hồi vào mục đích tái định canh.

Giải quyết đơn khiếu nại của bà Lan, ngày 19-10-2010, UBND huyện Buôn Đôn đã có Quyết định số 2443/QĐ-UBND yêu cầu Hội đồng bồi thường và hỗ trợ tái định cư huyện Buôn Đôn bổ sung phương án bồi thường và giao đất tái định cư cho Lan. Đến ngày 19-5-2011, UBND huyện Buôn Đôn tiếp tục ban hành Quyết định số 979/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của bà Lan, theo đó chấp nhận việc bồi thường đối với 2 hồ nuôi trồng thủy sản (dạng bể nước) ở khu vực lòng hồ, 1 nhà ngói vách ván và 1 giếng khoan cho bà Lan. Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, ngày 3-10-2011, UBND huyện Buôn Đôn lại ban hành Quyết định số 2673/QĐ-UB điều chỉnh một phần Quyết định 979 trước đó, không hỗ trợ căn nhà và giếng khoan. Tiếp đến, ngày 24-11-2011, UBND huyện Buôn Đôn lại ban hành Quyết định số 3178/QĐ-UBND hủy bỏ toàn bộ Quyết định 979, không chấp nhận bồi thường 2 hồ cá của gia đình bà Lan. Đến ngày 25-9-2012, UBND huyện Buôn Đôn lại ban hành Quyết định số 3058/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định số 979 ngày 19-5-2011.

Bức xúc trước những quyết định “tiền hậu bất nhất” của UBND huyện Buôn Đôn, bà Thái Thị Xuân Lan đã làm đơn khởi kiện Quyết định hành chính số 3178/QĐ-UBND ngày 24-11-2011 của UBND huyện Buôn Đôn, yêu cầu UBND huyện Buôn Đôn phải bồi thường 2 hồ cá, 1 căn nhà ngói vách ván, 1 giếng khoan và bồi thường thiệt hại khác với tổng số tiền 3.456.861.431 đồng. Ngoài ra, bà Lan còn có đơn khởi kiện bổ sung đề nghị hủy bỏ Quyết định số 2673/QĐ-UB ngày 3-10-2011 và Quyết định số 3058/QĐ-UBND ngày 25-9-2012, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn phải bồi thường thiệt hại cho bà số tiền 1.296.410.880 đồng.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2013/HCST ngày 5-8-2013, TAND huyện Buôn Đôn đã tuyên bác đơn khởi kiện của bà Thái Thị Xuân Lan. Bà Lan có đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Nguyên đơn: Khởi kiện có căn cứ

Mới đây, TAND tỉnh Dak Lak đã đưa ra xét xử phúc thẩm và tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà Thái Thị Xuân Lan;

tuyên hủy Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 24-11-2011; Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 3-10-2011 và Quyết định số 3058/QĐ-UBND ngày 25-9-2012 của UBND huyện Buôn Đôn để UBND huyện Buôn Đôn giải quyết bồi thường, hỗ trợ về tài sản cho bà Lan khi bị thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Đối với yêu cầu của bà Lan về việc Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn phải bồi thường thiệt hại số tiền 1.296.410.880 đồng, tòa phúc thẩm quyết định tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo thủ tục chung khi có yêu cầu.

Quá trình xét xử tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã làm rõ: Ngày 25-8-2005, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1225/TTg-CN cho phép đầu tư xây dựng công trình thủy điện Sêrêpôk 3. Nhưng trước đó, ngày 17-11-2004, UBND huyện Buôn Đôn đã ban hành Công văn số 332/CV-UB về việc quản lý chặt chẽ quỹ đất quy hoạch và xây dựng công trình thủy điện Sêrêpôk 3, nghiêm cấm xây dựng các công trình, trồng cây lâu năm trong khu vực dự kiến quy hoạch. HĐXX cho rằng, việc UBND huyện Buôn Đôn căn cứ vào Công văn số 332 để xác định việc không bồi thường cho gia đình bà Lan là không đúng và không có căn cứ pháp luật.

Theo tài liệu, chứng cứ mà tòa phúc thẩm thu thập được cũng cho thấy: Ngày 8-3-2002, bà Lan đã có đơn xin ngăn dòng chảy để xây hồ nuôi cá và đã được UBND xã Ea Nuôl xác nhận 2 hồ cá được xây dựng năm 2002. Theo nhận định của HĐXX, việc Thanh tra tỉnh Dak Lak căn cứ vào biên bản giao trả tiền bồi thường, hỗ trợ của Hội đồng bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình thủy điện Sêrêpôk 3 (ngày 29-12-2008) do ông Nguyễn Hoanh (chồng bà Lan) ký nhận tiền, trong phần ghi chú của biên bản có ghi “vi phạm”, để cho rằng ông Hoanh đã ký xác nhận việc đào lấp 2 ao cá là vi phạm và dùng làm căn cứ không bồi thường là không khách quan, suy diễn và không đúng với quy định của pháp luật. Bởi theo HĐXX, việc xác định một hành vi vi phạm pháp luật phải căn cứ vào hành vi vi phạm, biên bản vi phạm và quyết định xử phạt. Nhưng trong trường hợp của gia đình bà Lan, các cấp chính quyền địa phương chưa lập biên bản vi phạm cũng như biên bản xác định hành vi xây dựng sau khi công bố quy hoạch. “Như vậy, việc bà Lan khởi kiện yêu cầu UBND huyện Buôn Đôn phải bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về tài sản khi bị thu hồi đất (gồm 2 hồ nuôi trồng thủy sản ở khu vực lòng hồ, 1 căn nhà ván và 1 giếng khoan tại khu vực tái định canh) là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật” – bản án phúc thẩm nêu rõ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoanh cho biết, vào ngày 29-12-2008, ông được mời đến để ký biên bản giao trả tiền bồi thường, chứ không phải ký vào biên bản vi phạm. Và thực tế, khi ông ký nhận tiền bồi thường thì biên bản không hề có “phần ghi chú ghi “vi phạm” như tài liệu của Thanh tra tỉnh Dak Lak đã thu thập được!

Việt Cường

 


Ý kiến bạn đọc