Multimedia Đọc Báo in

Giáo sư Trần Văn Giàu - thầy Chu Văn An thời nay

09:07, 16/11/2012

Năm 1952, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định mở trường Dự bị đại học liên khu IV do Giáo  sư Đặng Thai Mai làm giám đốc và Giáo sư Trần Văn Giàu làm Phó Giám đốc. Khi ấy trường có 2 cơ sở: cơ sở phía Nam ở Nghệ An, cơ sở phía Bắc ở Thanh Hóa. Môn Văn và Toán nơi nào có thầy nơi đó dạy; chỉ có môn Triết thì cả hai nơi phía Bắc và Nam đều học với giáo sư Trần Văn Giàu. Do vậy dạy xong Triết ở cơ sở phía Bắc giáo sư Trần Văn Giàu lại cuốc bộ hơn 100 km từ Thanh Hóa vào Nghệ An để dạy học sinh viên ở cơ sở phía Nam.

Vợ chồng  giáo sư  Trần Văn Giàu (ngồi), cùng  các giáo sư: Trần Quốc Vượng,  Đinh Xuân Lâm,  Hà Văn Tấn  và Phan  Huy Lê  (từ trái sang).
Vợ chồng giáo sư Trần Văn Giàu (ngồi), cùng các giáo sư: Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn và Phan Huy Lê (từ trái sang).

Giáo sư Trần Thanh Đạm kể lại, sinh viên hồi ấy ở cơ sở Nghệ An rất hồi hộp chờ đợi những bài giảng Triết của thầy Giàu. Mấy lần mừng hụt, mới hôm trước loan truyền với nhau: “Mai thầy Giàu vào”, “Mai học Triết với thầy Giàu”... thế nhưng không phải, thầy Giàu chưa vào. Lại nóng lòng chờ đợi. Cho đến một hôm, có tin đích xác: Thầy Giàu đã vào rồi. Một anh bạn học cùng khóa với giáo sư Trần Thanh Đạm hồi ấy được may mắn trông thấy thầy Giàu đầu tiên, liền vội vã đi khoe với các bạn: Thầy Giàu vào rồi, thầy đang ở nhà này, xóm nào, nhà nào, mặt mũi, vóc dáng thế nào… Chỉ tối mai là được học thầy thôi, phải quét cái đình Ngọc Lệ cho sạch, phải sửa soạn đèn đuốc cho sáng để đêm mai học Triết với thầy Giàu… Cái tin thầy Giàu vào Nghệ An không chỉ làm xôn xao đám sinh viên lúc đó, mà các thầy và cả giới trí thức thuộc các ngành giáo dục, văn nghệ, khoa học, kỹ thuật, y tế… ở Nghệ An - Trung tâm văn hóa kháng chiến thời đó - đều biết tin về sự có mặt của nhân vật nổi tiếng này. Xung quanh cái tên Trần Văn Giàu đã có nhiều câu chuyện như là huyền thoại; đặc biệt nhiều người trong đó đã từng đọc sách của Thầy: Duy vật luận nước Pháp, Triết học phổ thông… xuất bản ở Việt Bắc, nhất là một tập sách nhỏ ghi lại buổi diễn thuyết của thầy Giàu ở Phú Thọ nhan đề là Đảng cộng sản và Đảng trí tuệ Việt Nam. Vì vậy bao nhiêu người mong ước trông thấy thầy và được nghe thầy nói.

Đêm giảng đầu tiên của thầy ở Nghệ An thật đặc biệt, cả hai lớp văn và toán đều học chung, gồm 100 người, mỗi người một ngọn đèn con, một cái bàn con “tự chế”, ngồi chật hai gian tả hữu của ngôi đình. Thầy Giàu giảng về “duy vật biện chứng”; thầy vừa giảng, vừa đi lại ở gian giữa, dáng cao lớn, hùng dũng say sưa với bài giảng, lúc chồm sang phía hữu, lúc vòng sang bên tả, rồi tiến về phía trước, giọng thầy sang sảng hùng hồn của chất giọng vùng Nam Bộ. Ngoài các sinh viên trong đình, từ thềm đình trở ra sân đình, các thính giả đến dự nghe im lặng và đứng chật. Trong đó một bóng người dong dỏng cao, mặc áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần, đặc biệt chăm chú đứng nghe từ đầu đến cuối, mấy giờ liền không ngồi, đó là giáo sư Cao Xuân Huy. Giáo sư Trần Văn Giàu thỉnh thoảng lại giảng hướng về phía Giáo sư Cao Xuân Huy nói như phân bua “Tôi giảng điều này có cụ Xuân Huy đứng đó, có phải là tôi nói vu vơ đâu!”... Đó là tác phong giảng bài của thầy Giàu, hay kéo người nghe vào bài nói của mình, và cũng để truyền đạt cho các em biết thầy Giàu kính nể sự uyên bác, khiêm cung cầu học của thầy Huy đến mức nào.

Cuối năm 1952, theo chủ trương của Bộ Giáo dục, cơ sở phía Nam hợp nhất với cơ sở phía Bắc. Sinh viên phía Nam từ bờ sông Lam chuyển ra phía Bắc và “hội tụ” tại một địa điểm bên bờ sông Chu. Trường đóng tại cầu Kè, gần chợ Đu, thuộc huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Các sinh viên lúc đó đến bây giờ đều thành đạt hết, trở thành các nhà giáo sư, nghiên cứu trong nhiều nghành nghề.

60 năm trôi qua, từ những bài Triết học đầu tiên do thầy Giàu dạy, các thế hệ sinh viên (đồng học với giáo sư Trần Thanh Đạm) thời ấy vẫn luôn nhớ lời thầy giảng và hai điều về bài giảng “Thế giới quan”, thầy Giàu đã nói một câu tóm tắt bằng tiếng Pháp, sau đó thầy dịch sang tiếng Việt: “Thế giới là hiện thực vật chất và có thể nhận thức”. Khi kết thúc bài giảng về “Nhận thức luận” thầy lại tóm tắt: “Đầu óc con người cũng phải biện chứng như bản thân thế giới”.

Sự hùng hồn, hấp dẫn không phải là đặc sắc lớn nhất của lời nói hay lời văn của giáo sư Trần Văn Giàu, dù đó là đặc sắc dễ thấy nhất. Đặc sắc chủ yếu của mọi công trình sư phạm và khoa học của thầy là tính chân lý, là sự sâu sắc; do đó, các công trình nghiên cứu của thầy luôn đầy sức thuyết phục. Thầy là người thầy lớn, luôn ở phía trước, vẫy gọi và cổ vũ các thế hệ học sinh, sinh viên. Lớp học trò của thầy hầu hết đều tài giỏi, thành đạt, nhất là trong giới sử học.

Giáo sư Trần Văn Giàu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, mọi người gọi thầy là Chu Văn An thời nay. Giáo sư Trần Văn Giàu mất ngày 16-12-2010 với một sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến cho ngành KHXH và Nhân văn nước nhà một kho tàng kiến thức trí tuệ lớn. 

Lê Hồng Thiện


Ý kiến bạn đọc