Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11-6-1948 – 11-6-2013)

Một số suy nghĩ về tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc

06:10, 22/06/2013

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi có đoạn: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ, tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu:

Toàn dân kháng chiến,

Toàn diện kháng chiến”(*).

Phong trào thi đua yêu nước có từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp với các cuộc vận động tăng gia sản xuất, luyện quân lập công.

Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến  chống thực dân Pháp. Ảnh: T.L
Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: T.L

Để phong trào thi đua yêu nước “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “mục đích thi đua ái quốc là:

Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm

Cách làm là: dựa vào

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, để gây:

Hạnh phúc cho dân”.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc thể hiện rõ tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị:

“Toàn dân kháng chiến

Toàn diện kháng chiến”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: nền móng của vấn đề dân vận là dân chủ (dân là chủ và dân làm chủ), hạt nhân của dân chủ là lợi ích. Vì vậy, Người đã chỉ rõ: “Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là:

Toàn dân đủ ăn đủ mặc,

Toàn dân biết đọc, biết viết,

Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới

để diệt ngoại xâm,

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.

Những vấn đề cốt lõi của công tác dân vận: vận động quần chúng; lực lượng, đối tượng dân vận là toàn dân; mục đích của dân vận là tập hợp lực lượng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng những câu ngắn, cách hàng như những câu vè ba, bốn tiếng để người đọc, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Điều này thể hiện tính ngắn gọn là đặc trưng trong các bài viết tuyên truyền, kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc còn thể hiện ở phương pháp dân vận “khéo”.

“Khéo” là một từ thuần Việt với nghĩa chung nhất là sự thích hợp trong lời nói, việc làm, ứng xử với một đối tượng cụ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc” nhưng với các cụ phụ lão thì: “thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc”, với các cháu nhi đồng thì: “thi đua học hành và giúp việc người lớn”… với nhân viên Chính phủ thì “thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân”… mỗi lứa tuổi, mỗi tầng lớp, Bác kêu gọi thi đua phù hợp với năng lực và nhiệm vụ được giao.

Lời kêu gọi thi đua của Bác thật là tha thiết: “để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin…”. Câu nói “tôi xin” của Bác gây xúc động cho hàng triệu trái tim người Việt như câu nói của Người tại vườn hoa Ba Đình trong ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuyết phục cả trái tim và khối óc của toàn dân tộc, là tác phẩm mẫu mực về công tác dân vận.

(*) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, nxb Chính trị quốc gia H2011 tr556 các câu trích dẫn (đặt trong ngoặc kép) đều từ “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.