Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng thơm thảo với cách mạng

16:18, 26/03/2015
Chiến thắng Buôn Ma Thuột ghi dấu son sáng ngời trong lịch sử dân tộc. Còn nhớ lúc sinh thời, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Chiến dịch Tây Nguyên từng tâm niệm và nhắc lại: “Nếu chúng ta biết một cách đầy đủ tất cả những gì diễn ra trước khi có trận Buôn Ma Thuột, có mùa xuân cao nguyên 1975, thì chúng ta càng thấy tự hào hơn về Đảng ta, nhân dân ta và quân đội ta...”.

Từ tâm niệm của vị thượng tướng này, chúng tôi hiểu dấu son ấy được tô thắm bằng trí tuệ của Đảng, sự hy sinh anh dũng của lớp lớp những người Việt Nam kiên trung… và bằng cả những tấm lòng thơm thảo với cách mạng của biết bao người dân. Câu chuyện về tinh thần tất cả cho tiền tuyến của gia đình ông Phạm Văn Sử (bí danh Kim Bình) 40 năm về trước chỉ là một trong rất nhiều hành động đẹp mà chúng tôi may mắn được nghe và biết. Hiện ông Sử đang sống tại số nhà 38 Y Wang, TP. Buôn Ma Thuột. Chuyện là ngày ấy, với nhiệm vụ của một cán bộ tình báo Cục II - Bộ Quốc phòng, ông cùng nhiều đồng chí khác được cài cắm để nắm tình hình địa bàn, đi trước mở đường chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên mà cụ thể là nội thành thị xã Buôn Ma Thuột. Bà con lối xóm và cả vợ con trong gia đình tuyệt đối không mảy may biết về một ông Kim Bình như thế bởi yếu tố quân mật. Nhưng một gia đình Kim Bình sẵn sàng cống hiến, phục vụ cách mạng thì nhiều cán bộ lãnh đạo của Tỉnh uỷ Dak Lak ngày ấy đều biết và ghi nhận. Ấy là chuyện gia đình ông tình nguyện ủng hộ 5 triệu đồng cho cách mạng. Rồi ngôi nhà của gia đình ở đường Lê Hồng Phong cũng đem tặng để Ủy ban Quân quản Dak Lak lúc ấy dùng làm nơi giữ tù binh. Ngay cả cơ sở lò gạch của ông ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột khi đó cũng trở thành nơi nuôi giấu cán bộ. Ông Sử kể: 3 ngày trước khi diễn ra trận Buôn Ma Thuột, hơn 30 chiến sĩ chủ yếu là bộ đội đặc công đã lọt vào thị xã, được ngụy trang làm công nhân lò gạch và sẵn sàng chờ lệnh tấn công. Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak được giải phóng, Tỉnh uỷ đề nghị trả lại những tài sản trên nhưng gia đình ông xin được hiến tặng. Mọi người trong gia đình ông đều cho rằng: “Xương máu chẳng tiếc, tiếc gì của cải cho cách mạng!”.

Câu chuyện này của 40 năm về trước, khi có dịp vẫn được ông Sử kể lại, không ngoài mục đích nào khác là nhắc nhở cháu con phải biết rộng lòng, sống vì cái chung, nhất là khi cái chung đem lại nhiều điều nhân nghĩa. 

Việt Như 


Ý kiến bạn đọc