Multimedia Đọc Báo in

"Bác Hồ luôn sống mãi trong trái tim tôi"

10:38, 01/09/2016

85 năm tuổi đời, 54 năm tuổi Đảng, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nhưng khi biết chúng tôi muốn được nghe kể về kỷ niệm 3 lần gặp Bác Hồ, được Bác gửi tặng kẹo và hành trình 53 năm sưu tầm ảnh Bác, ông Phạm Hùng Anh (thôn Tân Quý, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) không giấu nổi niềm hạnh phúc, tự hào về người Cha già kính yêu của dân tộc.

Ông Phạm Hùng Anh quê ở Quảng Nam, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm16 tuổi, đến năm 1954 tập kết ra Bắc, sau đó được cử đi học trung cấp chăn nuôi – thú y tại Nghĩa Đàn, Nghệ An. Tại đây, vào năm 1961, lần đầu tiên ông được cùng học sinh, cán bộ và công nhân đón Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu. Ông Anh hồi tưởng: “Buổi sáng hôm đi đón Bác, vừa nhìn thấy Bác, tôi và rất nhiều người đã khóc, không ngờ Bác giản dị, gần gũi đến vậy. Bác hỏi về thành tích của nông trường và nói rằng đó là thành tích của tập thể, nhắc nhở học sinh cố gắng học tập, cán bộ, công nhân viên đoàn kết, tăng gia sản xuất, chăn nuôi… Kể từ đó, Bác Hồ luôn sống mãi trong trái tim tôi”.

Ông Phạm Hùng Anh và tâm huyết trọn đời sưu tầm ảnh Bác.
Ông Phạm Hùng Anh và tâm huyết trọn đời sưu tầm ảnh Bác.

Năm 1962, khi về công tác tại Nông trường Thành Tô (Hải Phòng),   ông lại được cùng công nhân nông trường và nhân dân ra đón Bác ở Sân bay Cát Bi nhân dịp Bác về thăm Bệnh viện Việt-Tiệp. Tuy chỉ được nhìn thấy Bác từ xa, nhưng hình ảnh của Bác vẫn thật giản dị, gần gũi trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su. Tháng 12-1963, ông Anh nhận quyết định tăng cường vào Nam chiến đấu, cùng lực lượng tập trung tại Hòa Bình để học tập, rèn luyện. Tháng 3-1964, trước khi chuẩn bị lên đường, ông và anh em đơn vị vinh dự được Bác đến thăm, động viên. “Đa số các chú là người miền Nam nay về miền Nam chiến đấu nên phải cố gắng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, ông nhắc lại lời Bác dặn dò.

“Gói kẹo Bác gửi tặng rất đẹp, tôi xem như là một báu vật, mang về cho vào một chiếc lọ thủy tinh rồi rang gạo nếp đổ vào để hút ẩm, sau đó dùng sáp nến hàn kín nắp lại, bảo quản, cất giữ cẩn thận. Tôi rất tự hào vì cả 4 người con của mình, từ đứa đầu sinh năm 1972 đến con út sinh năm 1981 đều được ăn kẹo của Bác Hồ tặng vào ngày sinh nhật của mình”, ông Anh bộc bạch.

Qua những lần được gặp Bác, ấn tượng về vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc, ông đã tìm đọc những bài báo viết về Bác và cắt những tấm ảnh có Bác cất giữ cẩn thận. Trước khi vào chiến trường B3, ông gói ghém tất cả gửi lại cho một người anh nhờ cất giữ và căn dặn nếu ông hy sinh thì mang những kỷ vật này về cho gia đình. Năm 1969 ông bị bệnh nặng được đưa ra miền Bắc và sang Trung Quốc chữa bệnh hơn một năm. Trong thời gian điều trị ở Bệnh viện Thạch Thất (Hà Tây), ông Anh và nhiều chiến sĩ khác vinh dự được đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ ghé thăm và trao kẹo của Bác Hồ gửi tặng cho các chiến sĩ miền Nam.

Năm 1975, ông Anh nhận nhiệm vụ tiếp quản tại Đắk Lắk, công tác ở Nông trường 718 cho đến khi nghỉ hưu. Chia sẻ về việc sưu tầm ảnh Bác Hồ, ông Anh cho biết, tấm ảnh mà ông tâm đắc nhất và cũng là tấm ảnh đầu tiên sưu tầm về Bác được đăng trên báo Nhân dân ngày 25-1-1963. Tấm ảnh đó có trích dẫn câu nói của Bác: “Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi”. Kể từ đó đến nay, suốt 53 năm dày công sưu tầm và nhờ cả anh em, người thân, bạn bè ở mọi miền Tổ quốc tìm giúp, đến nay, ông đã có gần 1.000 tấm ảnh về Bác. Điều đáng nói, những tấm ảnh đều không trùng nhau, được ông ép nhựa, chú thích cẩn thận, sắp xếp theo từng chủ đề, giai đoạn lịch sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Năm 2009, ông tặng hai khung ảnh lớn với hàng trăm bức ảnh về Bác cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Pắc. Và đúng dịp kỷ niệm 121 ngày sinh của Bác (vào năm 2011) ông đã tặng một khung ảnh gồm 120 tấm ảnh cho Đảng ủy xã Vụ Bổn với tâm nguyện để các thế hệ sau có thêm hiểu biết về con người và cuộc đời vĩ đại của Bác nhằm thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

Không chỉ sưu tầm ảnh Bác, hằng năm vào đúng dịp Quốc khánh 2-9 và cũng là ngày mất của Bác, vợ chồng ông đều làm mâm cơm, thắp nén tâm nhang dâng Bác vừa thể hiện lòng tôn kính Bác, vừa giáo dục các con, cháu luôn nỗ lực học tập, lao động, rèn luyện phẩm chất đạo đức, xứng đáng với công lao và sự hy sinh to lớn của Bác. 

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc