Multimedia Đọc Báo in

Ước mong của Mẹ

09:05, 29/08/2016

Mặc dù tuổi đã cao, bước đi chậm chạp nhưng trước khi nhận quà của UBND TP. Buôn Ma Thuột trao tặng tại một buổi lễ được tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sen đã bỏ dép ra, đi chân đất đến trước tượng Bác Hồ đứng nghiêm trang, chắp tay, cúi đầu lạy Bác. Thực hiện xong nghi lễ đó, Mẹ tươi cười cúi đầu chào mọi người rồi mới đến nhận quà. Chứng kiến hành động đó đã thôi thúc tôi tìm đến tận nhà để được trò chuyện với Mẹ.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sen (bìa phải)  ủng hộ Quỹ  “Vì nạn nhân  chất độc da cam/Dioxin”.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sen (bìa phải) ủng hộ Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin”.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sen sinh năm 1930 ở Thái Bình, hiện đang sinh sống trong căn nhà gỗ đơn sơ ở tổ 2, khối 8 (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột). Mẹ có 6 người con, trong đó con trai cả Đỗ Lý Ngân (SN 1955) và con trai thứ 5 Đỗ Văn Lưu (SN 1961) đều đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. “Nhận tin báo thằng Ngân hy sinh nhưng chưa tìm được mộ, lòng Mẹ quặn thắt, hằng đêm khóc thầm vì không biết bây giờ con đang yên nghỉ ở đâu để gia đình còn thăm viếng. Nó chưa kịp có hạnh phúc riêng bởi người vợ tương lai mới chỉ làm lễ ăn hỏi mà chưa kịp cưới”, Mẹ Sen nghẹn ngào. Thương con, Mẹ quyết định rời xa nơi chôn nhau cắt rốn lên đường vào Nam để tìm mộ con.

Chỉ cần còn sức khỏe, Mẹ sẽ quyết tâm thực hiện chuyến đi này vì đó cũng là mong ước cuối cùng trước khi Mẹ nhắm mắt xuôi tay.

Mẹ Sen chia sẻ

Sau nhiều năm trời ròng rã, cuối cùng Mẹ Sen đã tìm thấy anh Ngân đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đồng Nai nên Mẹ đã yên lòng về sinh sống cùng gia đình tại Đắk Lắk. Tháng 8-2014, Mẹ Sen vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; được Thành đội Buôn Ma Thuột nhận phụng dưỡng. Vào các dịp lễ, Tết, 27-7 hằng năm, chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, giúp Mẹ cảm thấy vui và thật ấm lòng. Khi được hỏi về hành động bỏ dép, cúi đầu lạy Bác, Mẹ Sen bộc bạch: “Đi đến bất kỳ nơi đâu có ảnh, tượng Bác, Mẹ đều làm như vậy vừa thể hiện sự tôn kính Bác, vừa bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Bác để đất nước chúng ta có được như ngày hôm nay”.

Mặc dù đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành, đoàn thể địa phương, bà con hàng xóm nhưng Mẹ Sen vẫn đau đáu trong lòng ước mong được một lần ra Thủ đô viếng Lăng Bác, để có thể kính cẩn nghiêng mình bên hình hài của Người.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc