Multimedia Đọc Báo in

Thăm khu tưởng niệm các vua nhà Mạc ở Hải Phòng

10:31, 26/10/2016

Trong chuyến công tác ở Hải Phòng mới đây, chúng tôi đã có dịp đến thăm Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc (làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) – một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử của vùng đất Cảng.

Trong không khí linh thiêng, trang trọng, chúng tôi được hướng dẫn viên thuyết minh chi tiết, rõ ràng về sự thăng trầm của nhà Mạc. Vương triều Mạc bắt đầu khi Mạc Đăng Dung, người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) đăng quang vào năm 1527 và kết thúc khi vua Mạc Mậu Hợp (đời vua thứ 5) bị quân Lê - Trịnh đánh bại vào cuối năm 1592. Tuy nhiên, hậu duệ nhà Mạc vẫn còn cát cứ tại khu vực Cao Bằng để chống lại nhà Hậu Lê đến tận năm 1677 mới mất hẳn. Trong suốt những năm trị vì, các vua nhà Mạc đã có nhiều công lao với đất nước, để lại nhiều bài học quý cho các giai đoạn phát triển của đất nước sau này. Và để ghi nhớ công ơn của họ cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử vương triều Mạc một thời, năm 2009, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được khởi công xây dựng tại làng Cổ Trai trên diện tích 10,5 ha với nhiều hạng mục đồ sộ: chính điện (nơi thờ 5 vị vua triều Mạc là Thái Tổ Nhân minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung, Thái Tông Văn Hoàng đế Mạc Đăng Doanh, Hiến Tông Hiển Hoàng đế Mạc Phúc Hải, Tuyên Tông Duệ Hoàng đế Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp), nghi môn, thiên long tỉnh, bái đường, thái miếu, nhà truyền thống…

Toàn cảnh Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc.  Ảnh: D. Lân
Toàn cảnh Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc.  Ảnh: D. Lân

Cũng giống như bao du khách đã từng đến khu di tích này, chúng tôi háo hức chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá đang được lưu giữ tại đây như: chiếc bình có hình ảnh chùa Một Cột, chim hạc; chuông Đại Hồng Chung nặng 1.527 kg; chiêng đồng khắc nổi 2 con rồng...; đặc biệt là thanh Đại Long đao (hay còn gọi là Định Nam đao) hơn 500 tuổi. Đây là một trong hai thanh đao nặng nhất thế giới với chiều dài 2,55 mét, nặng 25,6 kg (ước tính khi chưa bị han gỉ là hơn 30kg). Theo lời thuyết minh của hướng dẫn viên, thanh Định Nam đao đã từng giúp Mạc Đăng Dung đoạt chức vô địch trong cuộc thi tuyển dũng sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long thời Lê Sơ (Võ Trạng nguyên). Hơn 20 năm sau đó, ông phục vụ dưới 4 triều vua Lê. Nhờ tài thao lược, trí dũng hơn người và với thanh Bảo đao trong tay, ông đã xông pha trận mạc và bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn của nhiều phe phái, thế lực cát cứ khắp nước. Trước đây, thanh đao được dòng họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định cất giữ. Nhưng thể theo nguyện vọng của tiên tổ và các chi họ Mạc, thanh đao đã được rước về thôn Cổ Trai và lưu giữ tại khu tưởng niệm đúng dịp kỷ niệm 469 năm ngày mất của Mạc Thái Tổ, khánh thành khu tưởng niệm. Ngày đưa thanh long đao về đất Cổ Trai, như một sự linh ứng kỳ diệu, đúng thời khắc thanh long đao được đặt vào hộp kính đặt phía trước tượng Mạc Thái Tổ, trên bầu trời xuất hiện 5 áng mây vàng hình rồng chầu về phía nhà Chính điện. Hiện trong nhà Chính điện có lưu giữ bức ảnh lớn với tên “Ngũ Long chầu triều” ghi lại thời khắc huy hoàng này.

Đứng trước khung cảnh vừa cổ kính, linh thiêng, vừa thơ mộng của Khu tưởng niệm, chúng ta như thấy được phần nào quá khứ oai hùng của một triều đại đã nằm dưới lòng đất hơn 400 năm qua.  

Tham quan Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc, chúng tôi còn được thưởng lãm nhiều sản phẩm đồ gốm, tượng đá thời nhà Mạc - thời kỳ phát triển rực rỡ của gốm hoa lam Việt Nam. Rồi lại được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về chính sách cố kết nhân tâm và thu phục nhân tài của các vua nhà Mạc. Sử sách ghi rõ, triều Mạc chỉ tồn tại trong 65 năm, một giai đoạn lịch sử ngắn trong hàng nghìn năm chế độ phong kiến nhưng với chủ trương: “Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái…”, triều Mạc đã tổ chức được tất cả 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên. Xuất thân khoa bảng dưới triều Mạc, có nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khải... Những nhân tài ấy đã  không chỉ có đóng góp quan trọng trong xây dựng, tổ chức của Nhà nước triều Mạc mà còn có nhiều đóng góp vào đời sống chính trị, tư tưởng, văn hóa của dân tộc.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.