Multimedia Đọc Báo in

Tết xưa ba miền Bắc, Trung, Nam

17:27, 29/01/2017

Nước ta có chiều dài từ Bắc chí Nam hơn 1.500 km đường chim bay, chiều ngang hẹp, cộng với những đặc trưng về dân cư, lịch sử, bản sắc văn hóa đã hình thành nên ba miền địa lý Bắc, Trung, Nam với những phong tục tập quán có khác biệt đôi nét về hình thức nhưng vẫn hài hòa trong một tổng thể thống nhất. Ăn Tết, chơi Tết ở mỗi vùng miền cũng có những nét đặc trưng, độc đáo riêng…

Tết miền Bắc

Miền Bắc có thủ đô Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa của cả nước với hàng nghìn năm văn hiến. Bởi vậy, Tết Hà Nội phản ánh gần như phần lớn văn hóa Tết của người Việt trước đây. Khi những đợt gió mùa đông bắc thổi về mang cái lạnh cắt da bao trùm lên miền Bắc thì cũng là lúc người dân chuẩn bị cho một mùa xuân mới. Đâu đây đã thấy màu xanh của lá dong, màu đỏ của hoa đào, câu đối, màu vàng của bưởi, quất… Các sản vật ngon, lạ như vội vã tràn về Hà Nội cho kịp Tết!

Mâm ngũ quả miền Bắc.
Mâm ngũ quả miền Bắc.

Bước vào tháng Chạp, các bà nội trợ đã lo Tết. Gạo nếp, đậu xanh gói bánh là nguyên liệu buộc phải có, tiếp đến các món “khô” khác như măng khô, miến tàu, bóng bì (da heo sấy khô), nấm hương, mộc nhĩ,hạnh nhân, hồ tiêu… Ở nông thôn, người ta nuôi gà, thiến gà trước Tết khoảng 4-5 tháng để thúc béo. Dưa hành, lạp xưởng, trứng muối là những món có mặt thường xuyên trong mâm cỗ Tết. Người Hà Nội, nhà giàu hay nghèo gì cũng đồ xôi gấc, bởi màu đỏ tươi bắt mắt của xôi gấc biểu hiện cho sự sung mãn, may mắn. Mâm cỗ chiều 30 Tết thường có: thịt gà luộc, thịt gà rán, thịt kho tàu, thịt xá xíu, hạnh nhân xào, giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, trứng muối, củ cải dầm, nộm (gỏi) bằng rau câu trộn thịt ba chỉ…; trên mâm ngũ quả không thể thiếu các loại trái cây như: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt… 

Chợ Đồng Xuân xưa.
Chợ Đồng Xuân xưa.

Hoa là thứ không thể thiếu được với người Hà Nội. Thuở ấy, từ ngã tư chợ Đồng Xuân đến Hàng Khoai, Hàng Lược là một chợ hoa di động họp từ lúc đưa Ông Táo (23 tháng Chạp) đến tận giao thừa. Các loại hoa được cung ứng từ các làng hoa ngoại thành như Nhật Tân, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Yên Phụ… Đi chơi chợ hoa là thú vui tao nhã như đã ngấm vào máu thịt của người Hà Nội mỗi khi xuân về Tết đến.

Tết miền Trung

Miền Trung có Huế từng là kinh đô của nhà Nguyễn thời cận đại bởi vậy Tết nơi đây có sắc thái riêng, rất độc đáo. 

Nhà cửa ở Huế xưa thường có cấu trúc theo lối nhà vườn, trước sân thường là cây cảnh, hoa, hòn non bộ được chăm sóc tỉa tót rất công phu; phía sau thường là vườn rau… Khi xuân về Tết đến, nhà vườn Huế được chăm sóc rất kỹ lưỡng, các loại hoa như hoa mai, mẫu đơn, tường vi, phong lan, cúc đua nhau khoe hương sắc.

Xưa kia, đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà ở Huế đều dựng cây nêu. Đêm hôm đó, người ta đưa ông Táo về trời với các nghi thức sau: mua ba ông Táo nhỏ bằng lóng tay đặt trên bếp. Ba ông được đặt trên một cái khay có lót vàng mã, một cây đèn nhỏ và một bó hương đang cháy. Chủ nhà bưng khay khấn thần linh thổ địa rồi bỏ ông Táo cũ ở gốc cây hay góc miếu nào đó. Tục lệ này bây giờ chỉ còn ở những vùng thôn quê hẻo lánh, bởi ngày nay, đa phần dân chúng không còn sử dụng bếp đun củi nữa…

Mâm ngũ quả miền Trung.
Mâm ngũ quả miền Trung.

Do ở giữa hai miền Nam, Bắc, nên khi Tết đến, dân miền Trung, đặc biệt ở Huế, người ta gói cả hai thứ bánh chưng và bánh tét. Ngoài ra, xứ Huế còn có một số loại bánh rất đặc sắc như bánh phu thê, bánh sen chấy, bánh dừa mận, bánh măng độc đáo, đặc trưng, được chế biến rất công phu, tinh xảo. Mâm cỗ của người Huế và các vùng phụ cận thường có: Nậm (gỏi) với mươi thứ nguyên liệu: đu đủ xanh, vừng, lạc, thịt ba chỉ, tôm, da bò rán trộn với dấm, đường, tỏi, ớt, ngò, rau om. Các món thường xuyên có mặt, được ưa chuộng là: dưa hành, xà lách gân bò, chả tré, chả tôm, nem bò lụi, chả thủ, chả da, chả lụa… Mâm ngũ quả gồm có chuối, phật thủ, cam, bưởi, quất, quýt, táo, nho xếp rất khéo, đẹp. Ở góc bàn thờ có một cái dĩa con đựng hai đồng xu nhỏ, để khi cúng xong sẽ tung hai đồng xu xủ quẻ âm dương (đồng sấp, đồng ngửa) cầu xin điều gì đó. 

Huế là xứ sở của Phật giáo miền Trung. Đi chùa lễ Phật là nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu của người Huế. Thành phố Huế có hơn 80 ngôi chùa, các ngôi chùa nổi tiếng như Thiên Mụ, Từ Đàm, Diệu Đế, Bảo Quốc… ngày Tết đông nghịt khách viếng chùa lễ Phật. 

Ngoài các trò chơi như đoán bài thai, hát bài chòi, ca cổ (Huế), người Huế xưa còn có một thú vui rất đặc sắc: tục “bói tuồng”. Người ta sẽ bất chợt đến xem hát bội vào một thời khắc bất ngờ, cảnh đầu tiên trên sân khấu sẽ ứng với số phận của người xem trong năm mới. Trong ba ngày Tết, người Huế háo hức đi chơi, tham gia lễ hội ở vùng ngoại thành như hội đấu vật ở làng Sình, hội bơi trải ở Thuận An, chơi đu, xem hát trò ở Phò Trạch…

Tết miền Nam

Sài Gòn xưa là thủ phủ của Nam Bộ từ thời các chúa, vua nhà Nguyễn, đây là một vùng đất mới được khai phá trên dưới 300 năm. Cư dân Sài Gòn là sự hòa hợp dân số của nhiều vùng miền, nhưng vẫn mang nét riêng độc đáo của Nam Bộ. 

Dễ thấy là trong dịp Tết, ở Sài Gòn, nhà nào cũng chuẩn bị thức nhắm ngon để “lai rai” tiếp bạn bè, khách trong ba ngày Tết. Các thức ăn dự trữ thường là đồ khô, chế biến sẵn, rất tiện dụng như: chả giò, chả lụa, dưa đầu heo, tôm khô, lạp xưởng, khô cá lóc, khô bò… 

Mâm ngũ quả miền Nam.
Mâm ngũ quả miền Nam.

Chơi hoa cũng là nếp văn hóa của người Sài Gòn. Hằng năm, khi xuân về, TP. Hồ Chí Minh là chợ hoa Tết lớn nhất nước, ở đâu cũng có chợ hoa, rải rác khắp các quận huyện, phường, xã. Các loại hoa được người phương Nam rất ưa chuộng là mai vàng, vạn thọ, cúc, biện lý, thược dược…; các loại hoa như lay-ơn, tường vi, đào, mẫu đơn, phong lan kén khách chơi hơn. Mâm ngũ quả của người Nam Bộ khác với miền Trung, miền Bắc là tuyệt nhiên không có chuối và cam bởi vì người miền Nam cho rằng chuối là “chúi xuống”, còn cam là “cam khổ”, không “hên” (may) lắm. Mâm ngũ quả trong các gia đình Nam Bộ thường có: dưa hấu nằm ở giữa mâm, xung quanh là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đôi khi có trái sung thể hiện ước muốn “cầu vừa, đủ, xài, sung sướng” con người.

Dân Nam Bộ và người Sài Gòn có tục “giãy mộ”, tức là làm cỏ, sửa sang, sơn phết lại mồ mả của những người thân, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp. Nhiều nhà tập trung đầy đủ cả gia đình mang theo lễ vật gồm: vàng mã, nhang, trái cây, xôi, gà luộc… Cúng lễ xong, bày ra “nhậu” tại chỗ như chia sẻ niềm vui xuân với người đã khuất. Sáng mồng Một, ai nấy đều ăn mặc đẹp đi lễ Tết ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc.

Đặng Hoàng Thám (st-bs)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.