Multimedia Đọc Báo in

Công tác tuyên truyền trong những ngày "Toàn quốc kháng chiến"

09:12, 30/12/2016

Ngày 19-12-1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ngay lập tức các phương tiện truyền thông, thông tin ở trong nước, các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài không chỉ đã đăng tải lời Người, mà còn có những bài viết dưới nhiều thể loại, vừa mang tính chất tuyên truyền, vừa để khích lệ, động viên, nhân lên ý chí, niềm tin mãnh liệt của cả dân tộc Việt Nam ở thời điểm khó khăn và cam go nhất.

Ngày 2-1-1947, trước sự quan tâm của báo chí trong và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tự do, độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc”, “Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết đấu tranh cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ. Dân Việt Nam muốn hòa bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc, của giống nòi, thì kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi”. Sau đó không lâu, ngày 10-1-1947, Người viết “Lời kêu gọi nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi” gửi đồng bào cả nước, trong đó có đoạn: “Về mặt tinh thần thì cha bảo con, vợ bảo chồng, anh bảo em phải nhớ đến giang sơn gấm vóc của Tổ quốc, phải nhớ đến lịch sử vẻ vang của tổ tiên, phải nghĩ đến vận mệnh tương lai của con cháu, thà chết thì chết, quyết không chịu làm nô lệ cho thực dân Pháp”. Đối với các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô, Người động viên: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc mấy ngàn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.

Cùng với lời tuyên truyền, động viên, khích lệ của Bác Hồ, nhiều tờ báo  trong cả nước cũng có những hình thức tuyên truyền, khích lệ, động viên kịp thời. Báo Chiến Thắng, một tờ báo xuất bản hằng ngày tại Mặt trận Liên khu I đã đăng nhiều tin bài liên quan đến việc hưởng ứng lời kêu gọi của Bác. Đặc biệt, trên báo Sự Thật từ số 70 đến số 81, đã đăng một loạt bài viết của Tổng Bí thư Trường Chinh với tựa đề “Kháng chiến nhất định thắng lợi”

(Xem tiếp trang 6)

(các bài viết sau đó được tập hợp lại trong tác phẩm cũng mang tựa đề trên). Những bài viết trên là cương lĩnh hành động của Đảng ta, đồng thời là một khẩu hiệu mang tính chất tuyên truyền, chứa đựng trong đó niềm tin sắt đá vào chiến thắng của cách mạng Việt Nam. Còn báo Cứu quốc - cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, trong thời kỳ diễn ra cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1946-1954) đã thực hiện vai trò nổi bật của mình trên mặt trận tuyên truyền, khẳng định tính chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, vạch trần tính phi nghĩa và âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Báo không chỉ loan tin chiến thắng mà còn thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền, cổ động trực tiếp góp sức mình vào chiến thắng của toàn quân, toàn dân ta…

Không chỉ có báo chí trong nước tham gia công tác truyền thông, thông tin mà cả báo chí nước ngoài cũng vào cuộc. Đặc biệt, nhiều cơ quan báo chí ở Pháp đã cử phóng viên thường trú tại nước ta để trực tiếp đưa tin, viết bài về cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tạp chí lý luận “Les Cahiers du communism” của Đảng Cộng sản Pháp đã cử nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà văn tiến bộ của Pháp Léo Figuères thường trú tại Hà Nội. Ông đã từng có nhiều tin bài phản ánh một cách trung thực cuộc kháng chiến của nhân dân ta, lên án mạnh mẽ tính chất phi nghĩa cuộc chiến xâm lược của thực dân Pháp. Thời gian này, ông đã cho xuất bản cuốn sách “Tôi trở về từ Việt Nam tự do” gây tiếng vang lớn, tái bản 11 lần và dịch ra 10 thứ tiếng trên thế giới. Báo Nhân đạo (l’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp cũng cử nhà sử học, nhà báo Alain Ruscio sang để đưa tin, viết bài. Ngoài ra, còn có các nhà báo tiến bộ khác như Madeleine Riffaud hay Henri Martin, Raymonde Dien…

Có thể nói, công tác thông tin, tuyên truyền chiếm vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Việc nói chuyện thời sự trong mỗi cuộc họp được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, bộ đội hăng hái tham gia, thu hút đông đảo đồng bào hưởng ứng. Các hoạt động tuyên truyền miệng, phát thanh loa tay vẫn đều đặn diễn ra hằng ngày. Các đội tuyên truyền xung phong đi vào những vùng chiến đấu, vùng xa phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, loan tin chiến thắng, ca ngợi tình cảm quân dân, lên án tội ác của giặc. Khẩu hiệu trên nón, trên áo, thơ ca hò vè cổ động và bài hát cách mạng là nguồn cổ vũ khí phách anh hùng và niềm lạc quan cách mạng. Qua các hình thức tuyên truyền phong phú đó, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện như phong trào: “Hũ gạo kháng chiến”, “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, “May áo mùa đông chiến sĩ”, “Bình dân học vụ”… góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc trong 9 năm thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

                                                                                                                              Nguyễn Viết Chính

Tài liệu tham khảo:

Văn học Việt Nam kháng chiến chống Pháp 1945-1954-NXB Khoa học xã hội, HN, 1986. Biên niên sử Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 2000-NXB Thanh niên, HN-2002.

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.