Multimedia Đọc Báo in

Nhớ về Cách mạng Tháng Tám

08:28, 18/08/2018
Thời đại Hồ Chí Minh có một sự kiện lịch sử trường tồn cùng dân tộc, vượt địa giới quốc gia mang tầm nhân loại. Đó là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, dẫn đến việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945.
 
Ngược dòng thời gian, chúng ta trở về những ngày sôi động đó.
 
Tháng 5-1945, Bác Hồ rời Pác Pó (Cao Bằng) về Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để chỉ đạo Cách mạng đang trên đà phát triển, chuẩn bị cho bước nhảy vọt. Bác lựa chọn địa điểm “thuận đường tiến, tiện đường thoái”, Tân Trào có sông Phó Đáy án ngữ, có núi Hồng che chở, có đường liên lạc sang Thái Nguyên, sang Phú Thọ về xuôi... Đặc biệt là thế trận lòng dân. Tân Trào nằm trong vùng cơ sở cách mạng phát triển sớm, thuận lợi cho một trung tâm lãnh đạo tổng khởi nghĩa.
 
Tại lán Nà Lừa trên đèo De, bị ốm nặng tưởng không qua khỏi, Bác đã dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. May mắn làm sao, có cụ lang người Tày xem mạch cho Bác rồi lặn lội lên núi Hồng lấy một thứ củ về đốt cháy, hòa vào cháo loãng để Bác ăn vài lần thì đỡ. Đây là đêm trước của Cách mạng, tình hình khẩn cấp, nên dù còn mệt, Bác vẫn chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14 và 15-8-1945; thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam ngày 15-8-1945. Lán Nà Lừa là trái tim, khối óc của Cách mạng trong những ngày sôi động ấy.
 
Đình Tân Trào chứng kiến Quốc dân Đại hội. Nơi đây thảo luận việc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc. Bác được bầu làm Chủ tịch, thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc đã tuyên thệ: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”.
 
Những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi sục ở Hà Nội. Ảnh tư liệu TTXVN
Những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi sục ở Hà Nội. Ảnh tư liệu TTXVN
Quốc dân Đại hội chỉ diễn ra trong một ngày rưỡi: chiều ngày 16 và ngày 17-8 (ấy là chưa kể còn dành thời gian dự lễ xuất phát của giải phóng quân tiến về xuôi) thế mà hoàn thành bao nhiêu việc trọng đại, khẩn trương biết nhường nào. Ngoài việc quan trọng nhất là quyết định Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc, còn nghe báo cáo về phong trào công nhân (Hoàng Quốc Việt trình bày), tình hình nông hội (Trần Đức Thịnh trình bày), trong hoàn cảnh dầu sôi, lửa bỏng còn nghe báo cáo về văn hóa cứu quốc của Nguyễn Đình Thi.
 
Ngày 16-8-1945 là lễ xuất quân của Quân Giải phóng Việt Nam, tại gốc đa Tân Trào có hàng trăm đại biểu dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào chứng kiến. Tại lễ xuất quân đã nghe Bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa do đồng chí Võ Nguyên Giáp hiệu triệu, ấy là lời hịch non sông, bừng bừng khí thế:
 
“Hỡi quân dân toàn quốc!
Giờ tổng khởi nghĩa đã đến!
Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!
Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!
Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!
Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định thuộc về ta!”
 
Từ cái nôi Tân Trào trong thủ đô cách mạng Tuyên Quang, từ sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và Bộ Tham mưu ưu tú nhất của dân tộc đầy bản lĩnh và trí tuệ, ngày 19-8-1945 cờ đỏ sao vàng rợp trời Hà Nội trong tiếng nhạc trầm hùng của Tiến quân ca (Văn Cao), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi).
 
Khí thế ấy nối dài, ngày 21-8 giành chính quyền ở Đắk Lắk. Ngày 23-8 đến Huế, ngày 25-8 đến Sài Gòn. Trong vòng một tuần lễ, cách mạng đã thắng lợi trên cả nước để ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới:
 
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
 
Ôn lại ngày tháng lịch sử trọng đại để càng biết ơn thế hệ ông cha cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc hôm nay.
 
Hữu Chỉnh
 
 

Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.