Multimedia Đọc Báo in

Vẹn nguyên ký ức mở đường Trường Sơn

09:54, 27/05/2019

Nhiều năm đã trôi qua nhưng cựu chiến binh (CCB), thương binh Hoàng Xuân Bảo, nguyên là Đại đội trưởng đại đội 1, Tiểu đoàn 337 (Binh trạm 9, Đoàn 559), hiện ở tại thôn 3, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar), vẫn còn vẹn nguyên ký ức về những năm tháng tham gia mở đường, gùi lương, tải đạn chi viện vào miền Nam trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Năm 1966, chàng thanh niên người Tày Hoàng Xuân Bảo tạm biệt quê hương Lạng Sơn hăng hái lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 316, thuộc Quân khu Tây Bắc, đóng quân ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nhờ sự nhanh nhẹn, hoạt bát, ông đã được cấp trên cử đi đào tạo hạ sĩ quan ở Quân khu, rồi học sĩ quan Lục quân ở tỉnh Hà Tây. Tháng 1-1967, sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo cấp trung đội, ông Bảo được điều động về làm Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 337 (Binh trạm 9, Đoàn 559) công tác ở địa bàn phía tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí, xăng dầu… chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và miền Nam.

 Ông Bảo  xem lại  những hình ảnh kỷ niệm  thời quân ngũ.
Ông Bảo xem lại những hình ảnh kỷ niệm thời quân ngũ.

Ông Bảo nhớ lại: “Khi đó tuyến đường Trường Sơn chỉ là con đường bộ rộng hơn 1 m, được bộ đội ta ngụy trang kín đáo, những nơi có sông suối sâu thì bắc cầu treo để bộ đội và dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí, lương thực. Dù đã được ngụy trang kín đáo theo chỉ đạo của trên “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, toàn bộ vũ khí và hàng hóa mang theo đều phải bảo đảm bí mật, an toàn, thậm chí đoàn còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng; nhưng do biệt kích, thám báo của địch chỉ điểm, chúng dùng không quân bắn phá điên cuồng, gây tổn thất nặng cho chúng ta về người và phương tiện, phá hỏng hàng trăm cây số đường, có đơn vị hy sinh gần hết”. Đơn vị của ông Bảo không biết bao lần gặp mưa bom của địch trút xuống khi đang làm nhiệm vụ.

Ông kể rằng mỗi lần gùi gạo từ trạm này đến trạm tiếp theo cách nhau gần một ngày đường, nhiều lúc đang hành quân thì bị giặc ném bom ác liệt, khi đó sự sống và cái chết đối với người lính chỉ trong gang tấc. Chọn gốc cây, bụi cỏ hay hầm bộ binh dọc tuyến đường ẩn nấp, ông Bảo cùng đồng đội lợi dụng địa hình địa vật, rừng già ngụy trang vừa bảo đảm giữ gìn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược và giữ an toàn tính mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đến giữa năm 1969, khi đường ô tô hoàn thành, đơn vị ông Bảo chuyển sang bảo vệ, sửa chữa cầu đường cho những đoàn xe tải chở người, lương thực, vũ khí vào Nam. Cũng năm ấy, trong một lần cùng đơn vị làm nhiệm vụ sửa chữa đường, ông Bảo bị thương, sau đó được chuyển về hậu cứ.

Khi đất nước hòa bình, ông Bảo chuyển ngành sang làm ở Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, rồi về làm Viện trưởng Viện KSND huyện Cư M’gar đến khi nghỉ hưu theo chế độ. Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, cuộc sống không khá giả gì nhưng mỗi dịp đơn vị cũ tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống, ông Bảo đều tham gia. Ông luôn giáo dục con cháu trong gia đình phải sống có ý nghĩa và làm việc hết trách nhiệm như một cách tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc hòa bình.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.