Multimedia Đọc Báo in

Một thời "hoa lửa" trên mặt trận thông tin liên lạc

09:04, 25/08/2019

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một lực lượng không chỉ đưa, nhận thư mà còn đảm nhận nhiệm vụ dẫn đường, tổ chức đưa đón cơ sở và cán bộ hoạt động bí mật ra - vào căn cứ. Họ chính là những chiến sĩ giao bưu - thông tin liên lạc.

Ông Lê Hoài Nhân (SN 1947), một trong những chiến sĩ giao liên thời chống Mỹ của Ban giao bưu - thông tin liên lạc tỉnh Đắk Lắk, nhớ về những năm tháng gian khổ, ác liệt với tâm trạng bùi ngùi xúc động: "Đó là những ngày tháng chia nhau củ khoai, củ sắn, nắm rau tàu bay; là ngày tháng băng rừng, lội suối đối mặt với bom đạn, thú dữ và bệnh sốt rét rừng…".

Ông Lê Hoài Nhân vẫn luôn dành thời gian để nghiên cứu những tài liệu liên quan  đến lực lượng giao bưu.
Ông Lê Hoài Nhân vẫn luôn dành thời gian để nghiên cứu những tài liệu liên quan đến lực lượng giao bưu.

Ông Nhân tự hào kể về nhiệm vụ của mình cũng như những chiến sĩ ngày ấy: Không chỉ là người đưa, nhận thư đơn thuần mà chiến sĩ giao liên còn phải biết tiếp thu, truyền đạt nội dung không được phép ghi chép hoặc dùng văn bản từng đặc điểm tình hình, sự việc, mệnh lệnh với yêu cầu đến từng chi tiết nhất, nghiêm ngặt nhất. Chiến sĩ giao liên còn phải biết tổ chức đưa đón cơ sở và cán bộ hoạt động bí mật ra - vào nội thành. Và đương nhiên, người giao liên cũng phải như một chiến sĩ thực thụ, biết đánh địch khi cần để bảo vệ tài liệu, bảo vệ cán bộ...

Gian khổ thế nhưng không ai nản lòng, bởi giao liên không đi thì "mạch máu" thông tin liên lạc không chảy. Đây chính là nhiệm vụ vinh quang mà Đảng và nhân dân giao phó. "Rất nhiều giao liên đã anh dũng hy sinh. Có những trường hợp bị địch phục kích, cận kề cái chết nhưng vẫn không quên nhiệm vụ bảo mật tuyệt đối thông tin. Tôi còn nhớ mãi trường hợp hy sinh của em giao liên Phan Minh Phán, trên đường chạy công văn hỏa tốc thì bị địch phục kích. Trước lúc hy sinh Phán đã kịp nhai nuốt luôn công văn để bảo vệ bí mật cho Đảng. Khi chúng tôi làm công tác tử sĩ, rửa những vết máu khô bầm trên mặt em thì phát hiện những mảnh công văn nuốt vội vẫn còn cắn chặt giữa hai hàm răng…", giọng ông Nhân nghẹn ngào.

Ban giao bưu - thông tin liên lạc tỉnh Đắk Lắk được thành lập sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 do Tỉnh ủy trực tiếp quản lý. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban là mở đường liên lạc đi trong cả nước; chuyển công văn, thư từ, báo chí từ Trung ương đến địa phương và ngược lại; vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng, hàng hóa, lương thực; đưa đón các đoàn khách từ Trung ương về địa phương và ngược lại; bảo đảm thông tin chạy bộ và thông tin vô tuyến giữ liên lạc thông suốt 24/24 giờ; tổ chức bám đường, đánh địch diệt chốt, mở các tuyến hành lang đi sâu trong vùng địch hậu; bám giữ mạch máu thông tin thông suốt trong mọi tình huống, tổ chức làm công tác binh địch vận - dân vận...

 
"Nếu so sánh với các ban, ngành trong tỉnh thì quân số của lực lượng giao bưu - thông tin liên lạc không nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh thời ấy có 40 trạm giao liên cấp tỉnh (kể cả tỉnh Quảng Đức cũ), 21 trạm giao liên cấp huyện. Trong bối cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, có những thời điểm lực lượng giao liên hy sinh đến mức tỉnh bổ sung không kịp. Kết thúc chiến tranh, toàn tỉnh có 295 cán bộ, chiến sĩ giao liên đã hy sinh".
 
Ông Lê Hoài Nhân

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, lực lượng giao bưu - thông tin liên lạc tỉnh đã mở 230 con đường hành lang xung yếu đi trong tỉnh, trong đó có các tuyến hành lang chiến lược như: Tuyến trục nối Đắk Lắk với Khu V, khu VI; tuyến hành lang nối với Phú Yên, Khánh Hòa; tuyến sang đông Campuchia và đi hạ Lào; tuyến trung gian nối Đắk Lắk với Nam Bộ và một số tuyến hành lang dự bị.

Các chiến sĩ giao liên đã chuyển hơn 4 vạn công văn, tài liệu, giấy tờ của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương và ngược lại (trong đó có hàng nghìn mật lệnh và hỏa tốc chiến đấu giao liên phải chạy bộ) bảo đảm đúng thời gian, không bị mất hoặc bị lộ, thu và phát hàng vạn bức điện mật bảo đảm chính xác an toàn tuyệt đối.

Ngoài ra, lực lượng giao liên cũng đã tổ chức vận chuyển 2,5 vạn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men ra tiền tuyến, đưa 400 lượt đoàn dân công phục vụ chiến dịch. Liên tục từ năm 1961 - 1964, lực lượng giao liên đã tham gia đánh 50 trận, phá hàng chục ấp chiến lược... Trong nhiệm vụ mở đường, bám đường, lực lượng giao liên đã chiến đấu 138 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 126 tên địch…

Với truyền thống anh hùng, bất khuất cùng những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, tập thể Ban giao bưu - thông tin liên lạc tỉnh Đắk Lắk đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 40 trạm giao liên được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1999, lực lượng giao bưu – thông tin liên lạc của tỉnh đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân” do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.