Multimedia Đọc Báo in

Du xuân nơi "Miền đất vàng"

17:07, 30/01/2017

Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi có một chuyến du lịch chớp nhoáng đến đất nước Myanmar - vốn được mệnh danh là “Miền đất vàng”. 

Đến Bagan - kinh đô cổ của đất nước Myanmar, miên man ký ức tôi như trôi về miền đất Siêm Riệp của Campuchia khi ngắm những hàng thốt nốt vươn những chiếc lá xoe tròn quạt gió vào không gian đầy nắng dọc hai bên đường. Từng cặp bò trắng rất đặc trưng của xứ sở này nhẫn nại kéo lật lên các vạt đất đầy cát trắng chuẩn bị cho một mùa gieo trồng mới. Vài ngôi nhà sàn đơn sơ vách nứa, mái lợp lá thốt nốt bạc phếch theo thời gian, trước cửa nhà nào cũng có một ống khói cao bằng gạch, trên đỉnh đặt một chiếc nồi gốm… Khắp mọi nẻo đường chúng tôi qua, cuộc sống vẫn bình thản yên ả trôi, khác hẳn không khí rộn ràng chuẩn bị đón Xuân mới ở Việt Nam. 

Giữa những vườn cây thốt nốt dần hiện ra những đền, tháp có cùng kết cấu gạch không dùng vôi vữa y hệt những tháp Chăm dọc miền Trung Việt Nam. Đó chính là nét đặc trưng làm nên vẻ cổ kính và cũ kỹ ở kinh đô cổ Bagan của đất nước Myanma. Bagan đã từng là kinh đô từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 9 trước Công nguyên của Myanmar. Trong khu vực hơn 26 dặm thuộc kinh đô và đền thờ xưa nằm dọc ven bờ con sông Irrawđi này, trước đây có tới 4.446 ngôi đền tháp lớn nhỏ được xây dựng. Trải qua 12 đời vua với thăng trầm của những cuộc chiến tranh bộ lạc đẫm máu trong lịch sử, nhất là sự thay đổi tín ngưỡng từ Ấn Độ giáo sang Phật giáo, các đền đài này dần bị con người lãng quên và trở thành phế tích theo thời gian. 

Chùa Vàng ở thành phố Yangon (Myanmar).
Chùa Vàng ở thành phố Yangon (Myanmar).

Hiện nay, gần như tất cả đền đài đều đã được trùng tu, đánh số, đặt bia ký. Cổng đền uy nghi, đường đi, lối vào rộng rãi đang tiếp tục được hoàn chỉnh. Nhiều cây xanh đã trồng mới, hứa hẹn xòa bóng mát chở che cho vẻ phong trần của các đền tháp. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của chính quyền một đất nước sùng đạo Phật như Myanmar. Cũng chính vẻ đẹp lặng im của rừng tháp cổ hoang phế với những bí ẩn chưa từng được khám phá về nguyên nhân chấm dứt sự tồn tại của kinh đô Bagan, hay cả những cây táo dại lẫn dây lạc tiên lúc lỉu trái, đã quyến rũ du khách đổ về miền đất tĩnh lặng này. Bảng lảng trong bóng chiều, trên đỉnh tháp cổ, rất nhiều du khách thì thào trò chuyện và kiên nhẫn chờ đến giờ khắc được chiêm ngưỡng cảnh mặt trời lặn. Vẻ đẹp không thể diễn tả nổi của kiến trúc đền tháp cổ thẫm đen như những nét khắc tạc lên đường chân trời trong ánh vàng lộng lẫy của hoàng hôn khiến mấy chục con người lặng phắc, chỉ còn  tiếng bấm máy tanh tách cố ghi lại những khoảng khắc khó có thể phai mờ trong ký ức ấy. 

Không chỉ những ngôi chùa lớn nhất như Thatbyinnyu, đẹp nhất như chùa Ananda Phaya, tháp lớn nhất là Tilomilo thu hút đông du khách mà ngay cả những ngôi đền không còn nguyên vẹn hay đang được trùng tu vẫn nườm nượp khách. Không chỉ du khách nước ngoài mà cả người dân trong nước, lẫn các sư sãi trong hai ngày nghỉ cuối tuần cũng thành kính đổ về thăm viếng. Đặc biệt, ở nơi cao nhất như chùa Taungkalat càng đông nghìn nghịt. Chùa xây trên núi, giữa rừng nên rất nhiều khỉ, chúng đuổi nhau chạy rầm rầm trên mái tôn, túm tụm sưởi nắng và bắt rận cho nhau, giật tay, tóm váy các cô gái xin những gói đậu phụng nho nhỏ người ta bán sẵn, dành để khách cho khỉ ăn. Người vãn cảnh phải bỏ dép ngay từ dưới chân núi, đi chân trần lên, nên suốt cả ngàn bậc thang, luôn có những người tình nguyện nhẫn nại, còng lưng lúi húi lau cho sạch những thứ do bầy khỉ thải ra. 

Ngay cửa ngõ vào thành phố Yangon sẽ thấy tấm biển lớn chào đón du khách tới với “Miền đất vàng”. Quả thực, trên những con đường di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác ở Myanmar đều có thể thấy tỏa ra ánh vàng chói lọi cả ban đêm lẫn ban ngày từ những ngôi chùa dát bằng vàng thật, to lớn, lộng lẫy, kiêu hãnh vươn cao. Ở cổng chùa vàng Shwezigon tại Bagan, chúng tôi cũng được chào mời mua những miếng vàng nhỏ đã dát mỏng. Ngôi chùa vàng này là niềm tự hào của người dân vùng kinh đô cổ Bagan vì có tới chín điều đặc biệt được ghi bằng hai thứ tiếng Anh - Myanmar ngay trên cổng chính: Tháp lớn xây dựng không có nguyên liệu sắt; bóng nắng suốt ngày quanh chùa không thay đổi vị trí; vàng dát chùa sau một thời gian có thể sẽ bong nhưng không bao giờ rơi ra khỏi phạm vi tháp lớn; bất kỳ ai lỡ độ đường cũng có thể ngủ lại tại chùa; ai đến chùa vào lúc sáng sớm cũng được ăn cơm; trống lớn đánh lên từ bên này, bên kia chùa không thể nghe thấy, bởi sự cách âm rất tốt; dù cho mưa lớn đến đâu sân chùa cũng không bị đọng nước; cây Chayer trong vườn chùa nở hoa quanh năm; bước chân vô chùa tâm linh con người có cảm giác rất bình yên. Chùa nào ở Myanmar cũng có bốn mặt, mỗi mặt đều có một gian thờ lớn, đắp nổi một tượng Phật dát vàng cao vài ba mét, lúc nào cũng có người quỳ lạy. Đứng giữa khoảng không trong sân chùa Shweizigon đông người, quả thật vẫn cảm nhận được sự tĩnh lặng hoàn toàn, chỉ có tiếng vỗ cánh vun vút của hàng trăm con chim bồ câu chao liệng giữa những tòa tháp vàng lung linh trong bóng nắng. 

Phật giáo đã thay thế Ấn Độ giáo và trở thành quốc đạo ở Myanmar từ hàng trăm năm nay, những bức tượng Phật dát vàng chói lóa ngự trong hầu hết những ngôi tháp mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ giáo. Tại những ngôi đền chưa bị thời gian tàn phá nặng nề, vẫn có thể hình dung thấy đỉnh tháp là sự mô phỏng bóng dáng Yoni và những đường bậc thang rộng chạy từ chân lên tới đỉnh, xa trông từa tựa như hình dạng Linga, tín ngưỡng thờ phụng của cư dân Ấn Độ giáo thuở nào. 

Vốn là một tô giới của Anh quốc, đến năm 1948 mới được tuyên bố độc lập, năm 1996 mới mở cửa giao lưu với quốc tế, thành phố Yangon - thủ đô cũ của Myanmar còn giữ nguyên dáng vẻ một không gian châu Âu. Dấu ấn của nước Anh còn in đậm trong kiến trúc kiểu Gotic ở ngôi nhà thờ Cơ đốc đang được trùng tu và tu viện màu đỏ rộng mênh mông, hoang tàn. Thủ đô mới của Myanmar là Naypyidaw, cách Yangon chừng 15 km, được xây dựng rất hiện đại. Còn ở Yangon, đi mỏi chân trên các đường phố trung tâm, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài ngôi nhà đang được tu sửa theo kiến trúc mới, toàn thành phố là những khối nhà cao tầng đã nhuốm màu rêu mốc thời gian. Người dân tận dụng những căn hộ tầng trệt để mở quán bán hàng, giống như ở các khu chung cư Kim Liên, Trung Tự… tại Hà Nội. Càng rất gần gũi bởi những loại cây trồng bên đường, hoa trái bày bán trên vỉa hè, hàng hóa trong các cửa tiệm… đều giống như ở  Việt Nam. Nhất là cái se lạnh cần đến một manh áo ấm mỏng lúc sáng sớm hay cuối ngày, cái nóng hừng hực buổi ban trưa… gợi nhớ đến khí hậu đỏng đảnh ở Tây Nguyên mùa này…

Chuyến du lịch ngắn ngủi và thú vị, đủ để chúng tôi có những ký ức đẹp về Myanmar.

H'Linh Niê


Ý kiến bạn đọc