Multimedia Đọc Báo in

Lớp trẻ kế thừa vốn văn hóa truyền thống

07:55, 10/05/2018

Học kể Khan, hát K’ưt, sử dụng nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần… là những hành động thiết thực đang được nhiều bạn trẻ ở các buôn làng thực hiện nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Những lúc rảnh rỗi, Ama Kuih (SN 1983), ở buôn H’Ngô B, xã Hòa Phong, (huyện Krông Bông) lại dành thời gian tập hát K’ưt để tự tìm niềm vui riêng cho mình. Cảm hứng xoay quanh đời sống hằng ngày, từ việc làm nương rẫy chăm sóc cây cà phê, trỉa bắp, trỉa lúa cho đến sự gắn kết giữa những người thân trong gia đình mang lại cho anh thêm nhiều cung bậc cảm xúc. Ama Kuih tâm sự: “Thời thơ ấu của tôi gắn với những lời hát K’ưt của người lớn trong buôn trong những dịp lễ hội, ma chay; đêm đến lại được quây quần bên bếp lửa cùng lũ trẻ nghe các cụ già hát K’ưt, tái hiện những câu chuyện vui buồn của buôn mình. Nghe nhiều, những tiết tấu của điệu K’ưt chẳng biết từ khi nào cứ ngấm dần vào trong tôi. Vì thế hễ có cảm hứng tôi lại tập hát K’ưt …”. Ngoài hát K’ưt, Ama Kuih còn tập sử dụng thêm nhạc cụ truyền thống như thổi đing Buốt, vừa thổi vừa K’ưt tạo nên giai điệu trầm lắng, da diết, có sức lôi cuốn.

Nghệ nhân Y Wang Hwing (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn các bạn trẻ cách sử dụng đing năm.
Nghệ nhân Y Wang Hwing (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn các bạn trẻ cách sử dụng đing năm.

Anh Y Mới Ksơr (buôn Tring 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) lại dành tình yêu đặc biệt đối với rượu cần của dân tộc mình. Từ công thức ủ rượu cần truyền thống của người Êđê mà mẹ và bà ngoại truyền lại, Y Mới đã dày công làm nên những mẻ rượu cần ngon, không chỉ dành phục vụ gia đình, bạn bè mà còn có bán ra thị trường, kiếm thêm thu nhập. Anh vẫn cho rằng mình may mắn sinh ra trong gia đình có nghề làm rượu cần truyền thống nên phải cố gắng giữ lấy nghề. Mỗi khi  bà ngoại và mẹ lấy nguyên liệu làm men, ủ rượu là anh luôn quan sát tỉ mỉ và ghi nhớ, những chỗ nào chưa hiểu rõ thì hỏi ngay để được giải đáp tường tận, nhờ đó tích lũy được những kiến thức hết sức bổ ích.

Không biết kể khan, hát K’ứt hay làm rượu cần, Y Hạ Niê ở buôn Cuôr Đăng B xã Cuôr Đăng, (huyện Cư M’gar) lại tận dụng thời gian rảnh để đan lát dụng cụ dùng trong gia đình. Với nguyên liệu từ cây tre, cây nứa, cây dong, ban đầu Y Hạ chỉ đan những thứ đơn giản như rổ, rá, vừa làm vừa học dần dần Y Hạ đã biết cách đan gùi, đan nong nia sao cho bền và đẹp. Sản phẩm làm ra không chỉ đủ dùng mà còn có bán cho bà con trong buôn.

Anh Y Mới kiểm tra mẻ rượu cần trước khi giao cho khách.
Anh Y Mới kiểm tra mẻ rượu cần trước khi giao cho khách.

Trong cuộc sống hiện đại, những người trẻ biết làm nghề truyền thống rất đáng trân trọng và khích lệ để từ đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.