Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui về bảo tồn văn hóa truyền thống ở Cư Huê

10:40, 25/08/2018
Xã Cư Huê hiện có 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung dọc theo Quốc lộ 26 và ven hồ Ea Kar. Những năm qua, do tác động của hội nhập nên nhiều nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc tại chỗ đứng trước nguy cơ bị mai một.
 
Với mong muốn bảo tồn, quảng bá và khai thác có hiệu quả những nét văn hóa đặc trưng đó, UBND huyện Ea Kar đã và đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực cho người dân địa phương như mở lớp dạy chiêng trẻ, dệt thổ cẩm, khôi phục các bến nước…
 
Ngôi nhà dài mới được phục dựng của gia đình chị HBuôt.
Ngôi nhà dài mới được phục dựng của gia đình chị HBuôt.
Chị H’Buôt M’Lô (buôn M’Oa) phấn khởi khoe rằng, hồi nhỏ chị cũng được bố mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, nhưng qua thời gian dài không làm nên dần quên mất. Bây giờ, sau khi được truyền dạy lại chị đã có thể dệt được những sản phẩm như áo, váy, khố, khăn… để bán cho người dân trong buôn và khách du lịch. Được biết, để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, ngoài việc tham gia lớp dệt thổ cẩm, giữa năm 2017 gia đình chị H’Buôt đã phục dựng ngôi nhà dài truyền thống bên cạnh căn nhà xây kiên cố. Cũng từ đó, ngôi nhà dài trở thành nơi sinh hoạt của người dân trong buôn, nơi học nghề dệt thổ cẩm của các mí, các chị; nơi truyền lửa nhịp chiêng của các nghệ nhân cho thế hệ trẻ... Đặc biệt, từ những buổi sinh hoạt, truyền nghề mà các mí, các chị đã thành lập nên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M’Oa gồm 12 thành viên. Toàn bộ sản phẩm của các thành viên trong tổ làm ra đều được trưng bày tại ngôi nhà dài này để giới thiệu, bán cho khách du lịch gần xa. 
 
Bà Nguyễn Thị Sáng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ea Kar thông tin, việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Êđê ở 7 buôn của xã Cư Huê nằm trong Đề án phát triển du lịch huyện Ea Kar giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tập trung khôi phục, bảo tồn các bến nước, phát triển nghề dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng, xây dựng các đội văn nghệ dân gian… ở các buôn. Riêng từ đầu năm đến nay, Phòng đã tổ chức được 2 lớp học dệt thổ cẩm và đánh chiêng, khôi phục thành công bến nước buôn M B’riu và M’Oa; sắp tới sẽ tiếp tục mở 2 lớp dạy đánh chiêng cho lứa tuổi thanh niên và trung niên…
 
Bà H’Mơt dệt sản phẩm truyền thống theo đơn đặt hàng.
Bà H’Mơt dệt sản phẩm truyền thống theo đơn đặt hàng.
Song song với những nỗ lực của chính quyền địa phương thì người dân 7 buôn ở Cư Huê cũng ý thức được ý nghĩa của việc bảo tồn văn hóa dân tộc và cố gắng lưu giữ với những hành động thiết thực như truyền nghề cho các em nhỏ, tham gia các cuộc thi dệt thổ cẩm... Bà H’Mơt Niê Kdăm (buôn M’Oa) cho hay, ngoài dệt thổ cẩm để bán, bà còn tham gia các hội thi dệt thổ cẩm cũng như hát Ayray, hát Kưut trong các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức. Còn ông Y Wit vẫn lưu giữ nghề đan lát và tham gia vào việc truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ trong buôn…
 
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cư Huê thông qua con đường du lịch tuy mới chỉ manh nha nhưng bước đầu đã đem đến những tín hiệu tích cực. Trong đó, sự thay đổi ở cách nghĩ, cách làm của chính những người dân trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống riêng biệt của mình đã tạo nên sức sống mới cho buôn làng. Đó là bảo tồn văn hóa sẽ hiệu quả hơn khi được khai thác hợp lý và quan trọng hơn đây cũng là một cách làm hiệu quả để thúc đẩy kinh tế -  xã hội địa phương phát triển. Hy vọng, với sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự quyết tâm, nỗ lực của người dân, Cư Huê sẽ sớm trở thành điểm du lịch cộng đồng ấn tượng của du khách gần xa.
 
Qua khảo sát của cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ea Kar, 7 buôn dân tộc thiểu số ở xã Cư Huê hiện còn lưu giữ trên 30 dàn chiêng, hàng chục nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, hát Ayray, Kưut, thổi Đinh năm…; đặc biệt còn lưu giữ 129 nhà dài; trong đó có 46 nhà dài đẹp.

 

Thúy Hường

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.