Multimedia Đọc Báo in

Cây nêu trong các lễ hội ở Trường Sơn - Tây Nguyên

08:35, 19/01/2019

Các dân tộc thiểu số ở vùng núi rừng Trường Sơn - Tây Nguyên đều có tục dựng cây nêu trong các lễ hội cộng đồng. Cây nêu là “cây vũ trụ”, kết nối giữa đất và trời, giúp cho con người thông quan được với thần linh.

Một lễ hội lớn do cộng đồng làng tổ chức, việc quan trọng hàng đầu là phải làm cây nêu. Nó được xem là tâm điểm của lễ hội, mọi hoạt động, nghi lễ, diễn xướng dân gian đều diễn ra xung quanh cây nêu. Hình thức trang trí nghệ thuật của cây nêu tùy theo quy mô của lễ hội hay sự đầu tư và khéo tay của các nghệ nhân trong làng.

Trong các dân tộc ở vùng Trường Sơn thì người Cor là tộc người sáng tạo ra nhiều loại cây nêu nhất: nêu phướn (xa glák), nêu thượng (xa cô), nêu xa cóh, nêu lá (xa xje), nêu bắp chuối (cót kjá), nêu dù (gâk đlu); nêu đu đủ (pa-lay đu)... Trong đó, nêu phướn (xa glák) là loại nêu được đầu tư kỳ công nhất, được dựng lên rất cao. Đồng bào gọi là nêu phướn vì có đan lá phướn treo từ đỉnh nêu thòng xuống, có đẽo hình chim chèo bẻo treo trên đầu nêu. Nêu bắp chuối (cót kjá) cao khoảng 6 mét, đầu nêu có hình bắp chuối chỉa thẳng lên trời.

Vũ điệu  Ka đáu  của  dân tộc Cor quanh  cây nêu.
Vũ điệu Ka đáu của dân tộc Cor quanh cây nêu.

Người Ba Na gọi cây nêu là Gâng. Cây thường dùng để làm cây nêu là cây tre hoặc cây lồ ô ở trong rừng có thân thẳng tắp. Cây nêu của người Ba Na gồm ba tầng, tượng trưng cho mặt đất, khoảng không vũ trụ và tầng trời. Cây nêu có ý nghĩa quan trọng và rất linh thiêng đối với người Ba Na. Đồng bào tin rằng đây là nơi giao hòa giữa con người với thần linh, là nơi trú ngụ của thần linh để xua đuổi tà ma, bảo vệ dân làng… Sự hài hòa giữa sắc màu đen, đỏ, trắng, vàng trên cây nêu tượng trưng cho màu của tình yêu, khát vọng, sức sống vươn lên của con người.

Người Êđê gọi cây nêu là Gơng drai. Nó được làm từ loại cây thân mềm (cây xoan). Có hai loại cây nêu: cây dựng trong nhà (cao 2,5 m) và cây dựng ngoài trời (cao 3 - 4 m). Nổi bật trên ngọn nêu là biểu tượng bắp chuối, thể hiện sự kết nối giữa đất trời, sự giao tiếp giữa các vị thần và linh hồn vạn vật với con người. Phần thân của cây nêu trang trí hai màu đỏ (huyết) và màu vàng (thân cây). Hình tượng trang trí ở thân câu nêu hiện rõ mô típ chong chóng và tổ ong, trong đó chong chóng tượng trưng cho thời tiết (mưa thuận gió hòa); tổ ong tượng trưng cho sự dồi dào nguồn thức ăn từ thiên nhiên ban tặng với quan niệm mùa màng bội thu.

Cây nêu trong một nghi lễ của dân tộc M'nông.
Cây nêu trong một nghi lễ của dân tộc M'nông.

Cây nêu của dân tộc Cơ Tu có nhiều mô típ trang trí và mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau như: dây thừng (bhrướt pơr lanh), dây thắt lưng phụ nữ (cơtêêng pa pát), hoa cây chi rong. Trong đó, dây thừng tượng trưng cho dây buộc gia súc với ý mong muốn cho đàn gia súc đông đúc; dây thắt lưng là hình ảnh tái hiện loại dây được dệt bằng vải bông rất dài để buộc thắt lưng và buộc tóc khi tham gia điệu múa Tân tung da dắ, tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ.

Chuỗi cườm tròn trên cây cột lễ miêu tả hạt cườm crôl là một loại cườm to, đẹp, nhiều màu sắc và đắt giá nhất mà người đàn ông Cơ Tu rất ưa thích, được đeo trong tất cả các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Gương là bộ phận quan trọng vừa tạo nên yếu tố thẩm mỹ vừa là cho cột tế có sự cân đối. Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa (Yang Haro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa Da dá và Gương chính là đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh.

Cây nêu, cột lễ là cột “thiêng” vì đây là nơi thần linh hội tụ về dự lễ; bàn thờ cúng dâng lễ vật hiến sinh cho thần linh; nơi trình diễn điệu múa nghi lễ dân gian như điệu Xoang của người J’rai, Ba Na, Tân tung dá dá của người Cơ Tu, Ka đáu của người Cor... Đó là không gian thiêng kết nối, thông quan giữa thần linh với con người. Với ý nghĩa như vậy, cây nêu thường được làm cao hơn, trang trí cầu kỳ hơn những vật trang trí khác. Sẽ không quá lời khi nói rằng: cây nêu là vật trang trí đẹp nhất của các tộc người trong các lễ hội cộng đồng.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.