Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng với nghề truyền thống

10:31, 26/03/2019
Thời gian qua, nhiều ngành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông như: rèn, dệt thổ cẩm, dệt chiếu, làm gốm, làm men rượu cần… đã bị mai một dần.
 
Nhiều truyền nhân nay đã “về với tổ tiên”, còn lớp trẻ lại không mấy “mặn mà” với các ngành nghề thủ công vừa tốn thời gian, công sức, vừa thu nhập chẳng được bao nhiêu. Tuy nhiên, ở các buôn làng vùng sâu huyện Krông Bông vẫn còn có những người nặng lòng, đau đáu với nghề mà cha ông để lại…

Bà Amí Hiên, dân tộc M’nông ở buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui) là một trong số ít ỏi những người ở địa phương đến nay vẫn còn giữ được cái nghề làm men rượu cần truyền thống. Bà cho biết: Quy trình làm nên ché rượu cần không khó nhưng để có một ché rượu ngon phải hội đủ 3 yếu tố: ngọt (mih), đắng (bhí) và cay (hăng) thì trước tiên phải có men rượu. Để làm men rượu truyền thống, đồng bào Êđê thường lấy củ riềng đỏ hoặc gừng dại làm nguyên liệu chính; còn nguyên liệu chính làm men rượu của người M’nông là cây cam thảo mà người dân quen gọi là cây ngọt (kyâo mu mih) - một loại cây dây leo mọc ở trong rừng.

Bà con lấy dây cây cam thảo về rửa sạch, cắt ngắn để tươi hoặc cũng có thể phơi khô, rồi mang giã nhuyễn, sau đó trộn đều với bột gạo được giã sẵn; để tạo vị cay người ta thường cho thêm một ít ớt, vị đắng thì làm từ bao tử nhím, hoặc quả cà đắng. Các loại nguyên liệu được trộn đều với nhau mang nấu và nắn thành từng bánh tròn (giống như chiếc bánh bao của người Kinh), rồi ủ kín từ 2 - 3 ngày; đến khi mở ra những chiếc bánh men nở phồng lên là đạt chất lượng, bánh men mà không nở thì khi làm rượu sẽ bị chua. Tỷ lệ pha trộn cân đối giữa các nguyên liệu như thế nào thuộc về bí quyết riêng mà chỉ các thành viên trong gia đình, dòng họ mới được biết. Những người biết làm loại men rượu cổ xưa giúp rượu cần ủ càng lâu càng ngon này hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị Amí H'Bơi buôn Cư Phiăng (xã Hòa Phong) đang dệt một tấm đắp.
Chị Amí H'Bơi buôn Cư Phiăng (xã Hòa Phong) đang dệt một tấm đắp.

Ở cái tuổi 88, ông Y Kriêng Bkrông (thường gọi Ama Nan), dân tộc M’nông là người đàn ông cao tuổi duy nhất hiện nay ở buôn Ngô A (xã Hòa Phong) biết làm thành thạo rất nhiều nghề của phụ nữ như dệt chiếu, làm men rượu cần, làm gốm. Người Êđê, M’nông theo chế độ mẫu hệ, “vợ đi bắt chồng” nên hầu hết những công việc gia đình đều do phụ nữ đảm đương và quản lý, nhưng Ama Nan lại có quan niệm rất hiện đại: việc nhà là việc chung, vợ chồng phải chia sẻ, gánh vác cùng nhau. Vì thế, khi về ở rể, ông đã tự học từ cha mẹ vợ và làm rất thành thạo nghề dệt chiếu, làm men rượu cần, làm gốm, nghề rèn… Với nghề làm men rượu, hiện nay do tuổi đã cao, không có điều kiện vào rừng tìm nguyên liệu như trước đây nên sau mỗi đợt làm men rượu, ông đều giữ lại vài một ít để cấy lại cho lần sau. Khi có việc hỷ sự hoặc dịp lễ, tết, những người trong buôn muốn có một ché rượu ngon đậm đà hương vị, đều tìm đến Ama Nan để mua men về làm hoặc mua những ché rượu do ông làm bằng men truyền thống.

Đến nay, ông Ama H’Loăt (xã Dang Kang) đã có mấy chục năm gắn bó với nghề đan gùi và hiện vẫn đang sống nhờ nghề này. Ông kể, trước kia, nghề rèn, nghề đan đác còn thịnh hành, hầu hết nam giới sau mỗi mùa rẫy thường vào rừng lấy lồ ô, tre, nứa về chẻ nan tự làm những vật dụng trong gia đình như đan gùi, bồ đựng lúa, nong, nia… hoặc đi tìm mảnh bom về rèn xà gạc, wăng wít, dao, rựa... Ngày nay, dù không còn phổ biến, nhiều đồng bào trong các buôn vẫn có nhu cầu sử dụng gùi đi rẫy nên Ama H’Loăt vẫn thường xuyên đan gùi mang đến các buôn xa để bán. Do nơi ông đang ở không có nguyên vật liệu nên Ama H’Loăt đã kết hợp với một số người ở các buôn khác mua vật liệu về đan hoặc “ăn chia” theo tỷ lệ thỏa thuận giữa người có vật liệu và người có công đan. Trung bình mỗi tháng ông bán được khoảng chục chiếc gùi với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/chiếc, cũng giúp cho gia đình ông có thêm một khoản thu nhập ngoài trồng trọt.

Ông Ama Nan (xã Hòa Phong) lựa chọn bánh men rượu cần để cấy lại men mới.
Ông Ama Nan (xã Hòa Phong) lựa chọn bánh men rượu cần để cấy lại men mới.

Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống hiện còn được khá nhiều chị em ở các buôn tâm huyết duy trì. Chị Amí H’Bơi năm nay 49 tuổi, dân tộc Êđê ở buôn Cư Phiăng (xã Hòa Phong) hiện cũng đang sống nhờ nghề dệt thổ cẩm. Amí H’Bơi biết dệt thổ cẩm từ khi 17, 18 tuổi và ngày càng say mê màu sắc và những đường nét hoa văn trên những tấm thổ cẩm. Hiện nay chị thường dệt những bộ iêng, áo, tấm đắp biếu tặng cho người thân trong gia đình và dệt bán cho những người có nhu cầu. Trên những sản phẩm có tính chất kỷ niệm, ngoài việc dệt hoa văn, chị thường dệt thêm chữ, ngày, tháng sự kiện hoặc ngày bắt đầu dệt để mọi người dễ nhớ. Không chỉ Amí H’Bơi, ở buôn Cư Phiăng còn có hơn mười chị em vẫn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm; đáng mừng là trong đó số đó có cả những cô gái trẻ, như em H’Linh Byă năm nay 18 tuổi nhưng đã biết dệt thành thạo nhiều sản phẩm như: iêng, áo, tấm đắp với những hoa văn đẹp mắt…

Những người cố gắng duy trì nghề truyền thống như Amí Hiên, Ama Nan, Ama H’Loăt hay Amí H’Bơi không còn nhiều. Nặng lòng với nghề truyền thống, họ cũng đang đau đáu lo lắng trước nguy cơ nghề truyền thống mà ông bà để lại sẽ không còn…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.