Multimedia Đọc Báo in

Nét văn hóa truyền thống Êđê, M'nông ở huyện Krông Bông: Đứng trước nguy cơ thất truyền

08:55, 11/08/2019

Huyện Krông Bông có 36 buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông với khoảng 4.990 hộ, 24.213 khẩu. Trong những năm qua, mặc dù các địa phương đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống song một số di sản văn hóa của đồng bào Êđê, M’nông nơi đây vẫn đang dần bị mai một và có nguy cơ thất truyền.

Những năm trước đây, tượng nhà mồ là đồ vật tâm linh không thể thiếu mỗi khi các gia đình làm lễ bỏ mả. Nay đi khắp nghĩa địa của người Êđê, M’nông ở các địa phương trong huyện, hiếm hoi lắm mới có ngôi mộ có vài pho tượng. Một số người cho biết, kẻ gian thường ra các nghĩa địa có tượng nhà mồ để lấy cắp tượng nên người dân không muốn làm nữa.

Các nghệ nhân tạc tượng dân gian trong các xã cũng ít dần, có xã hiện không còn ai biết nghề. Nghệ nhân tạc tượng dân gian Ama Ngơn, dân tộc M’nông ở buôn Tul (xã Yang Mao) lo lắng: “Nhu cầu tạc tượng nhà mồ của người dân trong các buôn hầu như không còn. Cả xã Yang Mao hiện nay chỉ còn hai người biết nghề nhưng đã lâu không còn làm nữa. Lớp trẻ bây giờ không mặn mà với nghề này nên chúng không muốn học”.

Cầu thang nhà sàn truyền thống giờ đã được xây bằng bê tông.
Cầu thang nhà sàn truyền thống giờ đã được xây bằng bê tông.

Nghề rèn truyền thống trong các buôn cũng dần biến mất. Trước đây mỗi buôn thường có ít nhất vài lò rèn để rèn dụng cụ lao động cho bà con trong buôn như rìu, xà gạc, rựa, cuốc… Nay vì nhu cầu của người dân ít nên ở mấy xã vùng sâu chỉ còn ông Y Ngoan Niê (buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong) là vẫn theo nghề rèn truyền thống. Ông Y Ngoan giờ cũng đã nhiều tuổi, không có ai kế nghiệp; việc tiêu thụ các sản phẩm gặp khó khăn nên không biết ông còn duy trì nghề được bao lâu nữa. Nghề đan lát cũng trong tình cảnh tương tự do những đồ dùng này ngày càng ít người sử dụng, bán ra không ai mua.

 
"Phải xuất phát từ chính ý thức, nhu cầu trong đời sống hằng ngày của bà con thì mới có thể gìn giữ, bảo tồn lâu dài, hiệu quả những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của đồng bào".
 
Ông Châu Phan, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Bông

Nhà sàn truyền thống trong các buôn làng cũng đang ít dần. Những ngôi nhà sàn bây giờ cũng đã thay đổi nhiều, không còn mang "hồn cốt" của ngôi nhà sàn truyền thống nữa. Cầu thang đi lên nhà sàn không còn những đường nét chạm trổ đặc trưng, có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyền thượng tôn của người phụ nữ trong ngôi nhà như trước kia nữa; thay vào đó là những bậc thang bằng bê tông hoặc những thang gỗ đóng tạm.

Bếp lửa nhà sàn, phía trên bếp là giàn sấy làm bằng lồ ô chứa thịt khô, cá suối, măng khô, bên cạnh là ché rượu cần làm bằng chuối, gạo rẫy men lá ngọt lịm - góc sinh hoạt sau những giờ phút lao động mệt nhọc trên nương, rẫy của người dân cũng không còn nữa; thay thế vào đó là bếp gas, tủ bếp với nhiều đồ dùng tiện lợi.

Ama Mai, người dân buôn Cư Đrăm (xã Cư Đrăm) băn khoăn: “Trong buôn giờ còn rất ít nhà sàn. Những ngôi nhà sàn nhìn ngoài như vậy nhưng bên trong cũng không còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, không còn ghế kpan, bếp củi, không còn các đồ dùng, vật dụng truyền thống của người Êđê nữa”.

Những nghi lễ truyền thống như lễ cúng bến nước, cúng trưởng thành, mừng thọ, lbỏ mả, lễ cúng cầu mưa, mừng lúa mới… trước đây thường xuyên được tổ chức, nay cũng ít dần. Ông Y Jao Byă, dân tộc M’nông ở buôn H’Ngô A (xã Hòa Phong) bộc bạch: “Trước đây gia đình mỗi năm thường có 3 - 4 lễ cúng. Mỗi lần các gia đình có lễ cúng, anh em, bà con trong buôn lại sum vầy cùng nhau uống rượu cần, đánh cồng chiêng, hát múa quanh bếp lửa. Những năm gần đây không còn lúa rẫy, khí hậu thay đổi, nhiều người ít quan tâm đến văn hóa tâm linh nên đã bỏ rất nhiều lễ cúng. Thầy cúng trong các buôn làng giờ cũng còn rất ít”…

Lớp dạy đánh cồng chiêng tại xã Yang Mao.
Lớp dạy đánh cồng chiêng tại xã Yang Mao.

Thời gian qua, các địa phương ở huyện Krông Bông đã rất nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống. Có thể kể đến như: Liên hoan Văn hóa cồng chiêng ở Cư Pui, phục dựng một số lễ cúng ở xã Yang Mao, Cư Pui, Hòa Phong, Dang Kang; mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, dạy dệt thổ cẩm, hay đưa một số nghệ nhân tham gia thi tạc tượng dân gian… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa thực sự như mong muốn, chưa đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống “quay lại” với đời sống tinh thần, văn hóa, tâm linh của người dân nơi đây.

           Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.