Multimedia Đọc Báo in

Ngọt ngào những thanh âm không lời

11:05, 29/10/2019
Những âm thanh không lời được ngân lên từ các nhạc cụ dân tộc, do những diễn viên không chuyên biểu diễn là một nét độc đáo của Liên hoan Nghệ thuật quần chúng (NTQC) tỉnh Đắk Lắk lần thứ 16 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức.

Trong tổng số 93 tiết mục biểu diễn tại liên hoan thì có 7 tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Điều đó cho thấy âm nhạc dân tộc có ảnh hưởng khá lớn trong đời sống tinh thần của người dân.

Ngoài thể hiện những thể loại quen thuộc như hát, múa…, nhiều đoàn trong liên hoan đã chọn thể loại độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc như cồng, chiêng đồng, sáo trúc, đàn T’rưng… để trình diễn, thể hiện nét đẹp quê hương, bản sắc dân tộc qua những giai điệu không lời lúc trầm, lúc bổng. Trong đó có thể kể đến tiết mục diễn tấu Ching Kram “Gọi về sum họp” của đoàn NTQC huyện Cư Kuin; hòa tấu “Lửa Tây Nguyên” của đoàn NTQC huyện Ea Kar; độc tấu sáo trúc “Cô gái vót chông” của đoàn NTQC huyện Lắk; hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Tình quân dân” của đoàn NTQC Lữ đoàn Đặc công 198; hòa tấu chiêng đồng “Tây Nguyên ơn Bác đời đời” của đoàn NTQC huyện Krông Búk…

Hai chiếc đàn T'rưng được các chiến sĩ của Đoàn nghệ thuật quần chúng Lữ đoàn Đặc công 198 sử dụng trong bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Tình quân dân”.
Hai chiếc đàn T'rưng được các chiến sĩ của Đoàn nghệ thuật quần chúng Lữ đoàn Đặc công 198 sử dụng trong bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Tình quân dân”.

Bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Tình quân dân” của đoàn NTQC Lữ đoàn Đặc công 198 là một trong những tiết mục gây ấn tượng với khán giả cũng như Ban giám khảo bởi sự “đủ đầy”. Tiết mục có đến 12 diễn viên cùng tham gia biểu diễn, với nhiều loại nhạc cụ như đàn T’rưng cao, đàn T’rưng trầm, đàn đá, trống, Đing Bă, chiêng... Sự “đủ đầy” còn thể hiện ở tình cảm gửi gắm trong tiết mục, đó là tình quân dân, tình yêu người lính với buôn làng, với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. “Các chiến sĩ chỉ có một tuần để tập luyện, thoạt đầu ai cũng bỡ ngỡ vì đây là lần đầu tiên được tiếp xúc thực tế các loại nhạc cụ; thế nhưng rồi mọi người nhanh chóng nhập cuộc, phấn khởi, hăng say tập luyện. Ban đầu, mỗi người tập riêng một loại nhạc cụ, sau đó kết hợp lại với nhau qua nhịp trống. Nhờ đam mê và nỗ lực, các chiến sĩ dần hòa nhập vào giai điệu và tạo thành một bản hòa tấu hoàn chỉnh”, Thượng tá Đỗ Quý Ngọc (Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Đặc công 198) cho hay.

Ở tiết mục diễn tấu Ching Kram “Gọi về sum họp” của đoàn NTQC huyện Cư Kuin lại gây ấn tượng nhờ diễn viên thể hiện, đó là đội chiêng trẻ. Dù đang ở lứa tuổi thiếu nhi nhưng các em vẫn thể hiện được hồn của nhạc cụ này ở những âm thanh rền chắc, dồn dập, rộn ràng. Đây là loại nhạc cụ truyền thống của người Êđê, được chế tác từ ống tre, ống nứa; nó có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng Êđê, vừa gần gũi thân thuộc hàng ngày, vừa trang trọng những dịp lễ hội.

Để sử dụng nhạc cụ này cũng không hề đơn giản, khi diễn tấu, người đánh phải kẹp ống tre vào hai đùi, đặt thanh tre già nằm ngang vuông góc phía trên miệng ống, một đầu kê trên đùi, một đầu đỡ bằng lòng bàn tay trái. Tay phải cầm khúc cây làm dùi, gõ vào giữa thanh tre cho âm thanh cộng hưởng ống tre. Để điều chỉnh tiết tấu bài chiêng thì phụ thuộc vào nhịp gõ nhanh hay chậm; âm thanh luyến láy lại được điều chỉnh bằng cách nghiêng - ngửa bàn tay đỡ thanh tre. Người đánh chiêng phải kết hợp khéo léo nhiều động tác mới không bị vấp. Đặc biệt, khi diễn tấu nhiều người một lúc thì độ khó còn tăng thêm, vì vậy, chơi Ching Kram thì tính người cũng trầm lại, hiểu nhau và gần gũi nhau hơn. Trong dịp liên hoan, khi trình diễn trên sân khấu các em đã thể hiện được đặc điểm này; đồng thời đây cũng là dịp để giới thiệu loại hình nghệ thuật cũng như nhạc cụ này đến với nhiều người hơn.

Đội chiêng trẻ của đoàn NTQC huyện Cư Kuin diễn tấu Ching Kram
Đội chiêng trẻ của đoàn NTQC huyện Cư Kuin diễn tấu Ching Kram "Gọi về sum họp".

Không chỉ hai tiết mục kể trên mà ở các tiết mục độc tấu, hòa tấu khác cũng có những điểm hấp dẫn riêng biệt với khán quả. Quả thực, dù số lượng không nhiều như thể loại hát nhưng những tiết mục độc tấu, hòa tấu từ các nhạc cụ dân tộc trong chương trình đã góp phần tạo sự đa dạng trong khuôn khổ một kỳ liên hoan. Đồng thời, nó cũng góp phần giới thiệu về văn hóa, tín ngưỡng của từng dân tộc, vùng miền đến gần với khán giả hơn.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.