Multimedia Đọc Báo in

Một lần gặp gỡ nhà thơ Trần Đăng Khoa

12:01, 30/10/2020

Đầu tháng 10 vừa qua, độc giả yêu văn thơ Đắk Lắk đã có cơ hội được nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trò chuyện, chia sẻ về thơ ca tại Trường Đại học Tây Nguyên khi ông có chuyến thăm và làm việc với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, được mời vào Hội đồng giám khảo chấm chung khảo Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ III, giai đoạn 2015 - 2020 chuyên ngành về thơ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa là gương mặt thân quen với bạn đọc yêu thơ trên cả nước, với những tập thơ đã đi vào lòng thiếu nhi nhiều thế hệ như: “Từ góc sân nhà em”, “Góc sân và khoảng trời”...

 

Nhà thơ  Trần Đăng Khoa  nói chuyện  tại buổi  giao lưu.   Ảnh: Đ.Dũng
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói chuyện tại buổi giao lưu. Ảnh: Đ.Dũng


Tại buổi nói chuyện, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thể hiện quan điểm của mình về thơ đương đại. Qua giọng đọc thơ hóm hỉnh, tư duy sắc sảo, người đọc đã cảm nhận được tình yêu của nhà thơ dành cho thơ ca dân tộc, cùng ý thức về sự sáng tạo thơ mới lạ và hấp dẫn, chứ không “lạ hóa” phản cảm, đánh đố bạn đọc. Nhà thơ cũng đánh giá, nhận xét với thái độ trân trọng về thơ Tây Nguyên nói chung và thơ ca Đắk Lắk nói riêng. Đã không ít lần ông khuyên các bạn trẻ nên tranh thủ tìm về các buôn làng để sưu tầm, phỏng vấn những nghệ nhân, sợ một mai những nghệ nhân mất đi đồng nghĩa với sự mất đi cả một nguồn tư liệu văn hóa, văn học giá trị. Nhà thơ tâm sự, từ nhỏ ông đã có ước mơ được đến vùng đất Tây Nguyên bởi đây là một vùng đất có nguồn tư liệu văn hóa phong phú, đặc sắc với sự độc đáo, riêng biệt. Theo Trần Đăng Khoa chia sẻ thì khi sáng tác trường ca, ông đã chịu sự ảnh hưởng nhất định từ trường ca Tây Nguyên.Buổi nói chuyện thơ diễn ra trong không khí cởi mở, thân tình, ấm áp, dạt dào cảm xúc văn chương. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ về kỷ niệm tuổi thơ, thời đi học và hoàn cảnh ra đời cũng như bản nguyên tác của bài thơ “Hạt gạo làng ta”. Theo nhà thơ chia sẻ, bản gốc của bài “Hạt gạo làng ta” có hơi khác so với bài hát đang lưu hành bởi trong thơ, Trần Đăng Khoa viết: “Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay”, còn trong bài hát của Trần Viết Bính lại là: “Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi hôm nay”. Dù vậy, Trần Đăng Khoa vẫn “bênh” nhạc sĩ, ông luôn biết ơn những nhạc sĩ đã chắp cánh để thơ mình được bay cao.

 

Đại diện Trường Đại học Tây Nguyên tặng hoa cho nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh: Đ.Dũng
Đại diện Trường Đại học Tây Nguyên tặng hoa cho nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh: Đ.Dũng

 

Buổi gặp gỡ, giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa kết thúc đọng lại nhiều dư vị ngọt ngào trong lòng độc giả yêu thơ ca về “một nhà thơ nhân dân” thật chất phác, khiêm tốn. Chắc chắn, sau buổi gặp gỡ và giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa, mỗi người đều thu nhận được nhiều năng lượng tích cực trên bước đường sáng tác và cảm thụ thơ ca dân tộc.

Đoàn Dũng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.