Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ môi trường từ phong trào “Chống rác thải nhựa”

08:33, 09/07/2023

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn huyện Krông Ana đã triển khai xây dựng nhiều mô hình, việc làm thiết thực nhằm vận động hội viên, phụ nữ chung tay góp phần bảo vệ môi trường.

Theo chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana, để phong trào “Chống rác thải nhựa” đạt hiệu quả, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các tổ chức Hội từ huyện đến cơ sở tiên phong, gương mẫu trong việc giảm thiểu tiêu thụ những sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Theo đó, Hội LHPN huyện đã hướng dẫn các cấp hội chuyển đổi từ nước uống đóng chai sang tự đun nấu nước, dùng các vật dụng tái sử dụng nhiều lần, các sản phẩm thân thiện với môi trường như cốc giấy, thủy tinh để đựng nước cho đại biểu khi tổ chức các sự kiện. Đến nay, 100% các hội nghị, cuộc họp của Hội LHPN huyện và cấp hội cơ sở đã sử dụng bình, ly thủy tinh cho đại biểu dự họp...

Mô hình “Thu gom và phân loại rác thải” của hội viên, phụ nữ thôn Thành Công (xã Ea Na, huyện Krông Ana).

Đồng thời, đưa nội dung vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa vào tiêu chí thi đua hằng năm, từ đó tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Các cấp hội phụ nữ đã tích cực lồng ghép những nội dung tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ và người dân về việc hạn chế sử dụng và vứt rác thải nhựa ra môi trường thông qua các hội nghị truyền thông; tổ chức các đợt tập huấn kỹ năng phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; ra quân dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh; thu gom, phân loại các sản phẩm từ nhựa đã qua sử dụng vận chuyển đến nơi tái chế; khuyến khích mọi người sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái chế và thân thiện với môi trường; tặng bình nước thủy tinh, thùng đựng rác, làn đi chợ cho hội viên, phụ nữ… Ngoài việc đa dạng hình thức tuyên truyền, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã xây dựng được 20 mô hình bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, với hơn 1.000 thành viên tham gia.

Chẳng hạn, trước tình trạng người dân cũng như các tiểu thương buôn bán tại chợ cóc vứt rác bữa bãi, nhất là rác thải nhựa, gây mất mỹ quan đường làng ngõ xóm, năm 2019, Hội LHPN xã Quảng Điền đã xây dựng mô hình “Nói không với rác thải nhựa” tại thôn 4. Thông qua mô hình, Chi hội Phụ nữ thôn 4 đã triển khai sâu rộng đến toàn thể phụ nữ và người dân trong thôn về các hoạt động bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa như: tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa; vận động hội viên, phụ nữ sử dụng làn nhựa, giỏ xách bằng vải để đi chợ thay thế cho túi ni lông sử dụng một lần; hướng dẫn người dân cách phân loại rác thải nhựa đã qua sử dụng và tập kết rác thải tại một điểm nhất định để thuận tiện cho đơn vị thu gom; tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ một lần/tháng; trồng hoa, cây xanh để tạo cảnh quan… Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Chị Đinh Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 4 cho biết, qua gần bốn năm triển khai mô hình, từ chỗ chỉ có một vài hộ dân tham gia thì đến nay tất cả 400 hộ dân trong thôn đều tích cực hưởng ứng. Trong thôn hiện không còn tình trạng người dân vứt rác thải nhựa dọc các tuyến đường; các chị em đều mang theo giỏ xách khi đi chợ để đựng thức ăn tươi sống thay cho túi ni lông và ưu tiên sử dụng các vật dụng như thủy tinh, sành, sứ phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Hội viên, phụ nữ xã Ea Na (huyện Krông Ana) tham gia dọn dẹp vệ sinh.

Trong khi đó, gần ba năm qua, các hội viên, phụ nữ thôn Thành Công (xã Ea Na) đã duy trì hiệu quả mô hình “Thu gom và phân loại rác thải” để gây quỹ ủng hộ cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Mô hình được thành lập từ tháng 9/2020, với 40 hộ hội viên tham gia. Tham gia mô hình, các hộ sẽ thu gom và phân loại rác tại nhà. Những loại rác có thể tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa sẽ được chủ nhà thu gom và giữ lại chờ đến ngày cuối tháng mang đến tập kết tại nhà chi hội trưởng để phân loại, đóng bao và mang bán. Cùng với đó, các thành viên cũng vận động người dân trong thôn tham gia phân loại rác và ủng hộ chai, lọ nhựa cho mô hình. Số tiền thu được từ việc bán phế liệu sẽ dành để thăm hỏi hội viên, phụ nữ và trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Từ khi mô hình đi vào hoạt động đã giúp nhiều hội viên hiểu rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa và lợi ích của việc thu gom, xử lý phế liệu. Chị Mai Thị Định (một trong những thành viên tích cực tham gia mô hình) chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần nhà có vài ba lon bia, nước ngọt hay can nhựa, tôi đều mang ra thùng rác bỏ. Nhưng từ khi có mô hình, tôi đều dồn lại để chung tay gây quỹ cùng chị em”.

Với những những hoạt động cụ thể, thiết thực, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của hội viên, phụ nữ cũng như người dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương” - chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc