Multimedia Đọc Báo in

Bạn đã để lại bao nhiêu “dấu chân carbon”?

08:38, 26/02/2024

Tôi nhăn mặt khi cô bé phục vụ bê ra ly cà phê: “Ủa, sao quán lại dùng ly nhựa vậy em?”. Cô bé trả lời: “Tại khách mua mang đi nhiều nên quán em sử dụng toàn bộ ly nhựa”.

“Ừ, nhưng với khách uống tại quán thì các em sử dụng ly thủy tinh nhé. Chứ bao nhiêu ly nhựa thế này thì môi trường nào chịu nổi?”. Cô bé phục vụ lí nhí “dạ”, nhưng có lẽ trong đầu đang thầm khó chịu với người khách mà theo cô là có phần kỳ quặc…

Tôi nhìn ly cà phê, thầm nghĩ: Thế là khi uống ly cà phê này, mình và cả cái quán cà phê ấy nữa, đã để lại thêm một vài “dấu chân carbon”.

Các điểm du lịch sinh thái thường nhắc nhở du khách rằng “đừng để lại gì ngoài những dấu chân”. Nhưng với “dấu chân carbon” thì tốt nhất là bạn không nên để lại dấu chân nào, hoặc là càng ít càng tốt…

Chính quyền xã Ea Kao thường xuyên tuyên truyền đến người dân về tác hại của rác thải gắn với tổ chức thu gom rác. Ảnh minh họa: Anh Dũng
Chính quyền xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên tuyên truyền đến người dân về tác hại của rác thải gắn với tổ chức thu gom rác. (Ảnh minh họa: Anh Dũng)

“Dấu chân carbon” được đề cập đến khá nhiều thời gian gần đây khi nói đến bảo vệ môi trường, môi sinh, chống biến đổi khí hậu. “Dấu chân carbon” (tiếng Anh là “carbon footprint”) được định nghĩa là lượng khí nhà kính (trong đó chủ yếu là carbon dioxide) thải vào khí quyển bởi một hoạt động cụ thể của con người (từng cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, cộng đồng và kể cả một quốc gia). Như vậy, suy cho cùng, bất kể hoạt động nào của con người cũng có thể để lại những “dấu chân carbon” nhất định. Chẳng hạn như hành động uống ly cà phê nói trên của tôi, quá trình cà phê được trồng và chăm sóc, thu hoạch, chế biến sẽ tạo ra khí carbon dioxide (CO2) hay metan (CH4), góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính; chiếc ly đựng cà phê bằng thủy tinh hay nhựa và quá trình sản xuất ra chiếc ly đó cũng góp phần tạo ra các loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính. Việc xử lý chất thải từ quá trình uống ly cà phê đó cũng sẽ tạo nên hiệu ứng nhà kính, là tác nhân gây ra biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.

Rõ ràng bất kỳ hoạt động nào cũng để lại “dấu chân carbon”, vậy làm sao để tránh? Đúng là hoạt động nào cũng tạo nên một/một vài hay nhiều “dấu chân carbon”; song chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách làm sao để ít tạo ra các loại khí CO2 hay CH4 nhất. Chẳng hạn, chúng ta có thể chọn uống loại cà phê được sản xuất hữu cơ, có chứng nhận xanh; hay uống cà phê bằng ly thủy tinh thay vì ly nhựa bởi vòng đời sử dụng của chiếc ly thủy tinh rõ ràng được lâu bền hơn, rác thải ra môi trường vì thế cũng được giảm thiểu, từ đó việc xử lý rác thải cũng ít hơn, ít tạo ra các loại khí nhà kính độc hại hơn…

Từ cách nhìn đó, mỗi cá nhân trong xã hội đều gây ra những tác động nhất định đến môi trường. Nếu xây dựng được ý thức tính toán "dấu chân carbon" thì bạn có thể lựa chọn cách hành động/ứng xử làm sao ít ảnh hưởng đến môi trường nhất.

Nhiều doanh nghiệp gần đây đã quan tâm đến việc mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải mà họ gây ra trong quá trình sản xuất nhằm góp kinh phí vào trồng rừng, bảo vệ môi trường. Còn ở góc độ cá nhân, mỗi khi bạn từ chối sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần; cân nhắc khi mua sắm; tăng vòng đời sử dụng của các đồ vật; ưu tiên sử dụng các sản phẩm xanh… là “dấu chân carbon” của bạn đã giảm đi ít nhiều!

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.