Multimedia Đọc Báo in

Cà phê đặc sản trước thách thức biến động giá

06:30, 03/03/2024

Sau 5 năm bước vào “sân chơi” phân khúc cà phê cao cấp của thế giới, cà phê đặc sản Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn trên thương trường quốc tế. Đặc biệt, cà phê robusta đặc sản Việt Nam được công nhận là cà phê ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cà phê đang tăng cao và biến động không ngừng đã khiến ngành hàng non trẻ này đối mặt với không ít thách thức.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với ông TRỊNH ĐỨC MINH, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Theo ông, giá cà phê tăng cao có tác động như thế nào đến việc phát triển của ngành hành cà phê đặc sản Việt Nam trong thời gian tới?

Việc giá cà phê tăng cao đang giúp đời sống của người sản xuất cà phê được tăng lên và họ không chạy theo những cây trồng khác. Đó là một yếu tố rất quan trọng để duy trì tính bền vững của ngành hàng. Tuy nhiên, mặt trái của nó là kích thích nông dân chạy theo những lợi ích ngắn hạn, không đầu tư vào chất lượng mà chạy theo sản lượng, bởi họ nhận thấy không cần phải tốn nhiều công sức để làm cà phê đặc sản mà vẫn bán được giá tốt.

Giá cao còn ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng, vì giá nguyên liệu tăng gấp đôi thì đồng nghĩa giá ly cà phê cũng tăng gấp đôi, nhưng thực tế hiện nay giá ly cà phê gần như chưa tăng hoặc tăng không đáng kể. Bởi vì tất cả các tác nhân trong chuỗi ngành hàng đang cố gắng chịu đựng bằng các biện pháp khác nhau để giảm chi phí nhằm ổn định giá cho người tiêu dùng. Điều này đang tạo một áp lực quá lớn khiến các nhà rang xay và các chuỗi quán phải tìm cách thay thế bằng hàng cà phê chất lượng thấp hơn để tồn tại.

Về lâu dài, biện pháp này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khẩu vị và sức khỏe người tiêu dùng (nếu uống phải cà phê kém chất lượng). Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh Đắk Lắk cũng như Việt Nam đang nỗ lực đưa cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản đến tay người tiêu dùng nhiều hơn nhằm thúc đẩy ngành hàng này phát triển thì giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá đầu ra không theo kịp sẽ khiến việc tạo ra thị trường tiêu dùng cà phê lành mạnh gặp khó ngay khi mới bắt đầu có sự chuyển biến tích cực trong vài năm gần đây. Và ngành hàng cà phê đang lo ngại đến vấn đề cà phê trộn, cà phê bẩn, cà phê hóa chất sẽ quay lại thị trường tiêu dùng.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang trao đổi với phóng viên.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong bối cảnh mới này, thưa ông?

Để ngành hàng cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao ứng phó với những thách thức khi giá tăng cao, Nhà nước cần cụ thể hóa những chính sách đã ban hành. Đồng thời, đầu tư thích đáng để mối liên kết giữa người sản xuất – nhà rang xay – nhà thương mại bền vững và thực chất. Đặc biệt là có chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo nguồn nhân lực làm cà phê đặc sản, xúc tiến và quảng bá sản phẩm rộng rãi đến các thị trường.

Bên cạnh đó, cần phát huy ưu điểm của ngành hàng cà phê đặc sản, đó là thương mại trực tiếp (quan hệ mua bán trực tiếp, không qua trung gian). Nghĩa là nhà rang xay sẽ đến các trang trại trực tiếp mua hàng và xây dựng mối quan hệ lâu dài. Điều này mang lại lợi thế là giảm chi phí trung gian, người nông dân trực tiếp được hưởng giá tốt từ người mua nên khi giá nguyên liệu tăng, mối liên kết này ít bị tác động bởi họ tự thương lượng giá với nhau để đi cùng nhau trong chuỗi ngành hàng.

Mặt khác, cần có cách làm sáng tạo trong việc quảng bá sản phẩm bằng cách tạo ra những sự kiện dành riêng cho phân khúc cà phê đặc sản để ở đó người sản xuất, người nông dân đem câu chuyện làm cà phê truyền cảm hứng đến những người tham gia sự kiện. Và khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận trả một số tiền tương xứng với chất lượng khác biệt của loại cà phê này. Đây là giải pháp quan trọng để đưa cà phê đặc sản đến tay người tiêu dùng, nhất là đối tượng giới trẻ và các đơn vị du lịch.

Công nhân Trang trại cà phê Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột) chọn lọc trái chín để chế biến cà phê đặc sản.

Xin ông cho biết, trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột có những giải pháp nào để thu hút cộng đồng cà phê tiếp tục gắn bó và thúc đẩy ngành hàng cà phê đặc sản phát triển trong bối cảnh giá biến động?

Sau 5 năm tổ chức, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam đã khẳng định việc phát triển cà phê đặc sản là đúng hướng, góp phần nâng cao danh tiếng và vị thế của cà phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Riêng đối với cuộc thi năm 2024, quy chế có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật nhất là Hiệp hội tổ chức tuyển chọn các chuyên gia thức nếm (Q.Granders) làm giám khảo cuộc thi “Viet Nam Amazing Cup 2024” thay vì mời họ đến tham gia như trước đây.

Điểm mới thứ hai là khối lượng tối thiểu của lô cà phê nhân của một mẫu dự thi giảm xuống còn 360 kg (trước đây là 600 kg) nhằm tăng cường sự tham gia của những người mới tiếp cận với cà phê đặc sản.

Điểm mới thứ ba là quy trình mã hóa nhập điểm của các vòng thi sẽ thực hiện thông qua phần mềm thay vì làm thủ công như những năm trước để bảo đảm tính khoa học, nâng cao tính khách quan, giảm bớt những rủi ro, sai sót…

Hy vọng, với những thay đổi này, cùng với sự tâm huyết của cộng đồng cà phê đặc sản, nguồn nhân lực mới từ các khóa đào tạo chế biến cà phê đặc sản sẽ góp phần tạo dựng “sân chơi” có đông đảo người tham gia. Đồng thời, với các sự kiện như: tổ chức đấu giá cà phê đặc sản tại thị trường tiêu dùng (Hà Nội); tham gia các hội chợ trưng bày cà phê đặc sản ở nước ngoài... sẽ là cơ hội để đẩy mạnh quảng bá vị thế cà phê đặc sản Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Minh Thuận (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.