Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững

06:58, 05/03/2024

 Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của một tỉnh Đắk Lắk năng động, sáng tạo, hội nhập. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ CHÂU THỊ HỒNG MAI.

 

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Châu Thị Hồng Mai.

♦ Xác định hội nhập quốc tế (HNQT) là động lực phát triển xã hội, trong đó lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả quan trọng gì trong HNKTQT, thưa bà?

HNKTQT luôn được xác định là trọng tâm của công tác HNQT, được lãnh đạo tỉnh, các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao. Vì vậy, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều đoàn đi quảng bá địa phương ở một số nước nhằm hướng đến các thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nga, Australia, New Zealand, Thái Lan, Ấn Độ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.

Công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng được quan tâm thông qua việc tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, đăng cai “Tọa đàm Nhật Bản - Khu vực Tây Nguyên”, Chương trình gặp gỡ DN tỉnh Đắk Lắk và bang Odisha - Ấn Độ; tổ chức ba đoàn chủ động tiếp xúc các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức nước ngoài có văn phòng tại thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương trong tỉnh còn tập trung hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, kết nối với các đối tác nước ngoài và tìm hiểu thêm về môi trường đầu tư, kinh doanh trên thị trường các nước thông qua việc tham gia các sự kiện, hội chợ ở nước ngoài...

Với những giải pháp cụ thể, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, công tác HNKTQT đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Số dự án, tổng vốn đầu tư thu hút tăng đáng kể qua từng giai đoạn, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 26 dự án, với tổng vốn đăng ký 678 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 9,4 tỷ USD, giá trị xuất khẩu năm 2023 gấp 2,6 lần so với năm 2013. Sản phẩm cà phê của tỉnh đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tỉnh đã tiếp nhận 165 khoản viện trợ có tổng giá trị hơn 18 triệu USD (chưa kể vốn đối ứng), góp phần hỗ trợ khắc phục khó khăn cho các ngành, địa phương trong tỉnh, trong một số lĩnh vực thiết yếu. Đặc biệt, thông qua quan hệ hợp tác với địa phương kết nghĩa, năm 2023 tỉnh đã đưa 111 lượt lao động của huyện Ea Súp đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại TP. Iksan, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), tạo tiền đề tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.

♦ Bà đánh giá thế nào về năng lực cũng như tiềm năng HNKTQT của các DN trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hiện nay?

DN được xác định là trung tâm phục vụ của công tác HNKTQT. Trong bối cảnh tình hình thế giới còn tồn tại nhiều điểm nóng, xung đột diễn biến khó lường tại nhiều nơi, môi trường hòa bình và ổn định của nước ta là điều kiện hết sức thuận lợi để DN nắm bắt thời cơ tăng cường hợp tác kinh doanh, đầu tư với các đối tác nước ngoài song cũng cần tăng cường năng lực để ứng phó với những diễn biến, rào cản của thị trường thế giới.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 12.950 DN dân doanh đang hoạt động, chủ yếu thuộc nhóm công nghiệp chế tạo, chế biến, năng lượng tái tạo, sản xuất, kinh doanh (SXKD) chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản được xem là các ngành thế mạnh của địa phương. Việc thúc đẩy đổi mới tư duy về HNKTQT đã huy động được sự tham gia chủ động, tích cực của các DN tại tỉnh trong việc triển khai các hoạt động HNKTQT.

DN trên địa bàn tỉnh cũng đã được tiếp cận, trang bị các kiến thức, thông tin về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói riêng và quá trình HNQT nói chung, đặc biệt với các nước là đối tác trong các hiệp định. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, tiếp cận nguồn vốn cho DN, tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường cho DN. Đây có thể coi là nền tảng thuận lợi để các DN trên địa bàn tỉnh nắm bắt cơ hội, tranh thủ các chính sách khuyến khích mời gọi đầu tư của tỉnh để mở rộng SXKD và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN mình.

Tuy nhiên, đa số DN trên địa bàn tỉnh vẫn là DN nhỏ và vừa nên khả năng thích ứng, thay đổi để phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn đặt ra từ các thị trường lớn chưa mang tính dài hạn, chưa tận dụng được các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang là thành viên. Hàm lượng công nghệ trong sản phẩm chưa cao nên giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn hạn chế. Để thích nghi và phát triển trong tình hình mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN trong tỉnh cần có biện pháp nhanh chóng khắc phục những hạn chế này.

Doanh nghiệp Ấn Độ thăm nhà máy chế biến trái cây của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm tại Cụm Công nghiệp Tân An.

♦ Để đẩy mạnh HNKTQT thì định hướng, giải pháp của tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa bà?

Trên cơ sở tình hình thực tế địa phương, Đắk Lắk xác định một số phương hướng triển khai công tác HNKTQT chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế với phương châm “Lấy người dân, địa phương, DN làm trung tâm phục vụ”, kết hợp với ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk đến cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động quảng bá địa phương tại nước ngoài với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Trên cơ sở các định hướng đó, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về HNQT; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo về tình hình chính trị thế giới, những xu hướng mới về dịch chuyển kinh tế toàn cầu để phục vụ công tác tham mưu triển khai các hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các chương trình quảng bá, trong đó chủ động tiếp cận các tổ chức, địa phương, DN nước ngoài có tiềm lực hợp tác trong các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh và ưu tiên hợp tác, phát triển; tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành Trung ương; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, các hoạt động hỗ trợ DN; tăng cường hợp tác với các địa phương nước ngoài nhằm góp phần quảng bá, thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế của tỉnh ngày càng sâu rộng và bền vững, từng bước nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

♦ Xin cảm ơn bà!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.