Multimedia Đọc Báo in

"Bỏ giải" - điệp khúc buồn của bóng đá chuyên nghiệp

08:58, 22/10/2023

Trước thời điểm trái bóng lăn, ở Giải hạng Nhất quốc gia 2023 - 2024 xảy ra những biến động khi có câu lạc bộ (CLB) bỏ cuộc vì thiếu kinh phí.

Cụ thể, đơn vị chủ quản của CLB Bóng đá Bình Thuận là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã có công văn gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về việc đội bóng không tham dự Giải hạng Nhất quốc gia 2023 - 2024 vì lý do thiếu kinh phí.

Vừa lên hạng nhất sau 30 năm và tranh tài ở sân chơi chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam chỉ đúng một mùa giải, đội bóng Bình Thuận đã đưa ra quyết định thoạt xem có vẻ là đường đột. Nhưng sau quá nhiều vấn đề về nội bộ, những khúc mắc tài chính, tập thể cầu thủ không đồng thuận... thì với những người trong cuộc, việc Bình Thuận rút lui vào phút cuối không có gì bất ngờ.

Tất nhiên, khi một câu lạc bộ lấy lý do gặp khó vì tài chính thì VPF chẳng thể níu kéo ở lại. Điều đáng nói là việc này đồng nghĩa với phải sửa đổi Điều lệ Giải, kéo theo hàng loạt những thay đổi, điều chỉnh số đội phải xuống hạng, kế hoạch tổ chức Giải hạng Nhất quốc gia và có thể là cả Cúp quốc gia 2023 - 2024, làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị của nhiều đội bóng.

Cầu thủ Đắk Lắk (ngoài cùng bên phải) khi còn thi đấu tại Giải hạng Nhất quốc gia.

Không bàn sâu về những hệ lụy kéo theo bởi sự rút lui của Bình Thuận, ở đây chỉ đề cập đến tính chuyên nghiệp của một số đội bóng. Bình Thuận không phải là trường hợp đầu tiên bỏ giải. Trước đó, năm 2023, Giải hạng Nhất cũng chứng kiến câu chuyện buồn là hai đội bóng Sài Gòn FC và Cần Thơ bỏ giải, giải thể hoặc chấp nhận xuống chơi ở giải hạng Ba, chẳng khác một giải nghiệp dư để bắt đầu lại từ đầu. Xa hơn nữa, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến các đội bóng Hà Nội ACB, Khatoco Khánh Hòa rồi Navibank Sài Gòn, Than Quảng Ninh... cũng phải giải thể hoặc bỏ giải vì thiếu kinh phí.

Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là một cuộc chơi. Khi đã bước vào cuộc chơi thì tất cả đều phải tuân thủ luật chơi, từ đó phải có sự chuẩn bị tốt nhất, chứ không phải đến khi gặp khó về tài chính thì lại... rút lui.

Một trận cầu tại Giải hạng Nhất quốc gia trên Sân vận động Buôn Ma Thuột.

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao lại có không ít đội bóng dù tiềm lực tài chính khiêm tốn, như Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng ở League 1 hay như Huế, Bình Phước ở V.league 2 vẫn trụ nổi nhiều mùa giải? Câu trả lời là họ có một hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ bài bản, một chiến lược đầu tư dài hơi, dựa vào việc phát huy nội lực, thu hút cổ động viên, xem đó như "nguồn thu" nuôi sống đội bóng qua hoạt động khai thác, kinh doanh các sản phẩm và bán vé chứ không quá phụ thuộc vào "hầu bao" của các ông bầu.

Vấn đề này các đội bóng đều nhìn thấy, song nghịch lý là chẳng mấy ai chịu thay đổi tư duy, hướng phát triển đội bóng cho phù hợp mà vẫn cứ xảy ra trường hợp gặp khó về tài chính là bỏ giải. Dù đã bước qua 23 mùa bóng chuyên nghiệp nhưng với cách làm bóng đá như vậy chắc chắn tình trạng này sẽ còn tiếp diễn...

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc