Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng ở Lai Châu

09:27, 14/04/2024

Vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, đồng bào Thái trắng ở xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) lại náo nức tổ chức lễ hội Then Kin Pang.

Trong tiếng Thái, "Then" có nghĩa là Ngọc Hoàng thượng đế, "Kin" nghĩa là thọ thực, còn từ "Pang" nghĩa là dịp lễ, kỳ hạn; lễ hội Then Kin Pang tức là kỳ hạn Ngọc Đế hạ phàm thọ thực vật phẩm do nhân gian cúng tế.

Người Thái ở Tây Bắc nói chung và người Thái trắng ở Lai Châu nói riêng vốn có tín ngưỡng thờ Then, coi Then là vị thần linh tối cao, có công sáng tạo ra vạn vật. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội Then Kin Pang là nhằm bày tỏ lòng tôn kính, cảm tạ công đức của Then và cầu xin Then ban phước lành cho con người. Bà Then chủ tế cùng với các bà Then phụ là người thay mặt người dân giao tiếp với Then thông qua những lời hát cúng. Trước lễ hội, tại nhà Then, già trẻ gái trai mỗi người một việc cùng nhau trang trí cho không gian lễ hội.

Các món ăn đặc trưng của người Thái trắng trong lễ hội Then Kin Pang.

Nhóm Then ở xã Khổng Lào có 17 thành viên. Ngoài bà chủ tế Vàng Thị Dính là bà Then chính (Mé Thẻn Ệch) thì còn có các bà Then phụ (Mé Thẻn Hong) và các hầu nam, hầu nữ khác gọi là "Bào Khạ" và "Xảo Chạu".

Ngoài trách nhiệm quét dọn và trang trí nhà Then, chủ tế Vàng Thị Dính cùng nhóm bà Then phải chuẩn bị đồ tế mỗi năm một lần, đặc biệt là thay trang phục cho Then để cầu mong mọi thứ trong năm sẽ trở nên tốt đẹp, may mắn. Những tờ giấy màu được cắt tỉa thành những bộ trang phục nam nữ Thái trắng sẽ được treo dưới bàn thờ Then là nghi thức thay đổi y phục cho Ngọc Hoàng thượng đế ở cõi trời. Đó là những trang phục nhiều sắc màu như: trắng, xanh, đỏ, tím, vàng; những sắc màu đó ứng với thân áo màu trắng, thắt lưng màu xanh, cúc bướm màu bạc... có trên trang phục của người phụ nữ Thái. Những bộ trang phục nữ tượng trưng cho bà Then và hầu nữ; trang phục nam tượng trưng cho ông Then và các hầu nam.

Thời điểm tổ chức lễ hội Then Kin Pang cũng chính là mùa chim én bay về chao liệng khắp các bản làng. Người Thái trắng tin rằng chim én là loài vật linh thiêng. Nếu gấp giấy màu thành hình những con chim én và treo ở trên cây nêu thì những con chim linh thiêng đó sẽ trở thành sứ giả đưa những lời cầu nguyện con người đến với Then đang ngự trên thiên đường và chim én sẽ mang những phước lành từ cõi trời về với nhân gian.

Nghi thức gội đầu trong lễ hội Then Kin Pang.

Không chỉ trang trí bàn thờ, nhóm Then còn cùng nhau luyện tập những bài hát, điệu múa cho kỳ tế lễ. Ông Lò Văn Vương nói: "Việc tế lễ Then không thể thiếu tiếng đàn tính tẩu được vì từ khi có người Thái xuất hiện thì đã có tiếng đàn tính tẩu rồi. Đàn tính tẩu được làm từ quả bầu khô, một loại quả lương thực linh thiêng của người Thái bởi truyền thuyết kể rằng người Thái được sinh ra từ quả bầu tiên của Then".

Trong lễ hội Then Kin Pang, người xem còn được chiêm ngưỡng các thiếu nữ Thái trắng với mái tóc mượt mà tuôn dài theo dòng suối trong nghi thức gội đầu . Nghi thức này gọi là Áp Hô Chiêng, vốn là tục lệ thực hiện vào ngày 30 Tết Nguyên đán. Nhưng để quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trắng nơi đây, ban tổ chức đã đưa nghi thức Áp Hô Chiêng vào lễ hội Then Kin Pang. Theo đó, sau khi kết thúc nghi thức tế lễ Then, các thiếu nữ được tuyển chọn sẽ vác những ống bương đựng nước từ trên nhà Then xuống dòng suối cạnh đó đổ vào một chiếc nồi to đã được đun sẵn các loại thảo dược và được thầy cúng trì chú linh thiêng từ trước. Trong dáng vẻ uyển chuyển và duyên dáng, các thiếu nữ múc nước thảo dược vào một chiếc thau riêng rồi từ từ bước xuống dòng suối để gội đầu như một cách xua tan những điều xui rủi để đón rước về những gì tinh khôi, tươi tắn nhất.

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc