Multimedia Đọc Báo in

Để lao động nông thôn huyện M'Drắk “sống được” bằng nghề đã học

09:19, 05/12/2023

Huyện M’Drắk là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đều có việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Trong số đó, có nhiều học viên năng động đã thành lập tổ, nhóm nghề để chia sẽ, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất ra. 

Anh Vũ Trung Thông, sinh 1990 (ở thôn 9, xã Ea Riêng) là một trong nhiều học viên sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi heo đã có việc làm, thu nhập ổn định.

Năm 2012, tốt nghiệp ngành Cơ khí Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, anh Thông quyết định đi xuất khẩu lao động. Sau 3 năm đi làm việc ở Nhật Bản trở về nước với dự định lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng gia đình gặp biến cố, là anh cả trong gia đình, anh trở về quê phụ giúp mẹ làm kinh tế, nuôi các em ăn học.

Thấy nơi mình sinh sống, có nhiều hộ gia đình chăn nuôi heo lai rừng cho thu nhập ổn định, mà chi phí đầu tư ban đầu thấp, đầu năm 2018 anh Thông theo các chú, các anh ở gần nhà học cách làm chuồng trại, cách chăm sóc heo rừng lai. Anh mạnh dạn mua 2 con heo nái giống về nuôi. Do không nắm vững kỹ thuật, nên heo con sau khi sinh ra bị bệnh tiêu chảy, nhiều con không sống được. 

Anh Thông đang  vệ sinh chuồng trại cho đàn heo rừng lai.
Anh Thông vệ sinh chuồng trại nuôi heo rừng lai.

Không nản chí, năm 2021 anh Thông đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi heo do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức tại xã Ea Riêng. Anh Thông trò chuyện: "Trước đây, mình nuôi heo tự phát, ai chỉ gì làm đó. Nhờ học nghề, mình biết cách khử khuẩn khu vực chăn nuôi chuồng trại bằng cách rải vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi, xịt thuốc khử trùng sát khuẩn; biết cách tiêm thuốc sắt, tiêm ngừa cầu trùng; nếu thời tiết lạnh quá thì thắp thêm bóng đèn để giữ ấm cho heo con mới sinh. Giờ đây, trại heo của gia đình mình đã lên đến 22 con heo nái". 

Qua lớp học nghề, anh Thông nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng trong những năm gần đây rất ưa chuộng thực phẩm sạch nên anh tận dụng lợi thế diện tích đất canh tác rộng thả cho heo con chạy rong trong vườn; đồng thời trồng thêm chuối, ngô cho heo ăn để tiết kiệm chi phí. Bình quân một năm heo lai nái đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 7 - 10 con; heo con sau khi chăm sóc tầm khoảng 2,5 tháng xuất, trừ hết chi phí anh thu về từ 150 - 200 triệu đồng từ việc bán heo giống.

Anh Thông còn liên kết với một số học viên trong lớp học nghề để cung cấp heo giống, phối giống heo lai rừng. Anh còn phát huy mạng xã hội Facebook để quảng bá sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong cả nước, giữ đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi luôn ổn định.

Không riêng anh Vũ Trung Thông, một số học viên lớp xây dựng như: Y Hoàng Ksơr, Y Noan Ksơr, Y Súc Niê, Y Bình Ksơr (ở buôn Pa, xã Cư Prao), ban đầu chỉ là những thợ "tay ngang". Tham gia lớp học nghề, được các thầy, cô giáo dạy tận tình chỉ dạy, các anh đã vững vàng tay nghề tự xây dựng các công trình cho gia đình mình; nhận sửa chữa, xây mới nhà cửa cho bà con trong buôn, và nhận thầu xây dựng các công trình trên địa bàn huyện. 

Trao chứng chỉ nghề cho lao động nông thôn huyện MDrắk
Đại diện Trung tâm GDNN-GDTX huyện trao Chứng chỉ nghề may dân dụng cho học viên xã  Cư K'róa theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Hằng Nguyên 

Một số học viên học khác ở xã Cư M'ta, xã Krông Jing sau khi có chứng chỉ nghề xây dựng dân dụng đã liên kết thành lập các tổ, đội thợ xây nhận thi công các công trình trên địa bàn huyện, có nhập ổn định khoảng 400.000 đồng/ngày công.

Hay như nghề may dân dụng, chị Lương Thị Nhụy ở (thôn 2, xã Krông Á) sau khi hoàn thành khóa học tự mở tiệm sửa chữa, cắt may tại nhà. Các học viên khác như anh Chu Văn Hùng, chị Nguyễn Thị Sang (ở thôn 5) và chị Nông Thị Mai (thôn 3), xã Krông Á, sau khi hoàn thành khóa học may dân dụng đã xin vào các công ty may ở các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam với mức lương ổn định 8.000.000 đồng/người/tháng.

Từ năm 2020 đến nay, huyện M’Drắk đã mở 32 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho 693 lao động sau học nghề. Các học viên đã áp dụng có hiệu quả kiến thức đã được học vào quá trình sản xuất để phát triển kinh tế của gia đình ổn định. 

Để lao động nông thôn “sống khỏe” với nghề đã được đào tạo, thời gian tới huyện M’Drắk sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề phải sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó các ngành nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chú trọng đào tạo theo chuỗi sản phẩm, đào tạo gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ cao; nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế... đặc biệt phải chú trọng vào việc làm sau đào tạo.

Kim Huế

 

Ý kiến bạn đọc