Multimedia Đọc Báo in

Xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội: Cần chế tài bảo vệ quyền lợi cho người tham gia

08:30, 15/04/2024

Những năm qua, tình trạng nhiều doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mặc dù đã có nhiều chế tài xử phạt các đơn vị chậm đóng BHXH, tuy nhiên việc thực thi pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đủ sức răn đe...

Chậm đóng BHXH hơn 82 tỷ đồng

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 882 đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ chưa tính lãi trên 82,2 tỷ đồng, số tiền lãi phát sinh trên 26 tỷ đồng.

Trong đó, BHXH tỉnh đã gửi công văn đôn đốc chậm đóng lần 1, lần 2 với tất cả các đơn vị trên, tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp chây ì, chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền lớn, thời gian chậm đóng kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, dù cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính...

Công nhân lao động tìm hiểu các quy định về pháp luật lao động.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Đại Hùng (huyện Krông Ana) đã chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp 47 tháng của 6 lao động với tổng số tiền gần 156 triệu đồng và chậm đóng lãi hơn 24 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ B-One (TP. Buôn Ma Thuột) chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp 33 tháng của 4 lao động với tổng số tiền trên 129 triệu đồng, chậm đóng lãi trên 13 triệu đồng; Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và xây dựng Đắk Lê (TP. Buôn Ma Thuột) đã chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp 29 tháng của 4 lao động với tổng số tiền trên 168 triệu đồng, chậm đóng lãi gần 18 triệu đồng.

Cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp với ba đơn vị này: thanh tra đột xuất, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gửi công văn đến ngân hàng phối hợp cưỡng chế tài khoản, tuy nhiên do tài khoản ngân hàng của các đơn vị trên không có tiền nên vẫn chưa thu hồi được số tiền chậm đóng.

Đóng BHXH là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động, nhưng tình trạng chậm đóng BHXH vẫn diễn ra từ nhiều năm nay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; trong đó, nguyên nhân chủ yếu do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số đơn vị chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích, đang làm thủ tục phá sản, giải thể... nhưng cũng có tình trạng một số chủ sử dụng lao động chây ì, chưa thực hiện tốt nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động; ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN.

Trên thực tế cũng xảy ra những trường hợp người lao động chẳng may gặp tai nạn, ốm đau hoặc sinh con nhưng do người sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN nên họ không được sử dụng thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh; không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau và không được hưởng hưu trí khi về già.

Cần mạnh tay xử lý

Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh đã chủ động cập nhật thông tin, báo cáo UBND tỉnh về tình hình đóng BHXH, đặc biệt là việc chậm đóng BHXH, đồng thời tham mưu, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị chức năng xử lý.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc thanh tra liên ngành; kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên và đột xuất tại các đơn vị... để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Cán bộ BHXH tỉnh giải quyết các thủ tục, chế độ cho người lao động.

Theo ông Tạ Đức Hậu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, dù đã có những hình thức đôn đốc tích cực trong thu, nộp BHXH ở các đơn vị chậm đóng, nhưng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn do chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những doanh nghiệp chây ì, chậm đóng BHXH. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào bị khởi tố do chây ì, chậm đóng BHXH cho người lao động.

Trên thực tế, Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều chưa có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT. Vì vậy, hiện nay, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT cố ý và có hành vi gian dối để xử lý kịp thời.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giúp họ được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định, thiết nghĩ cần nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia vào chính sách an sinh, ưu việt của Đảng và Nhà nước. Trong đó, cần làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng, xử lý chậm đóng, xử lý trốn đóng nhằm phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH để có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Theo BHXH tỉnh, qua thực hiện thanh tra, kiểm tra một số đơn vị, tỷ lệ thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đạt 90% tổng số tiền nợ. Cụ thể, tổng số tiền nợ (bao gồm cả tiền lãi) của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra năm 2023 là hơn 16,380 tỷ đồng; đã khắc phục trong thời kỳ thanh tra, kiểm tra 14,778 tỷ đồng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.