Multimedia Đọc Báo in

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

20:56, 03/04/2015

Chiều 3-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Tham dự có các ĐBQH tỉnh khóa XIII công tác tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, các Ban của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh.

1
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đa số ý kiến của các đại biểu đều thống nhất với kết cấu của Dự thảo Luật gồm 10 chương, 82 điều; đồng thời cho rằng, Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có quan điểm, đường lối, chính sách phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Hiến pháp Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chiến lược biển, đảo Việt Nam; phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về biển, hải đảo; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường biển của cộng đồng, xã hội; góp phần hoàn thiện khung pháp lý quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển, hải đảo.

2
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến góp ý

Các đại biểu cũng góp ý một số nội dung cụ thể: Cần làm rõ mục đích ban hành và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các luật khác. Nội dung của Dự thảo chưa quy định cụ thể việc khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên vùng biển như tên của Dự thảo Luật. Tại Điều 3, Điều 7, Chương I cần giải thích thế nào là “Vùng đất ven biển” và “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”. Về việc cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thẩm quyền phải do Chính phủ quy định thay vì quyền cấp phép là Bộ Tài Nguyên và Môi trường theo Điều 19 của Dự thảo. Tại Điều 23 nêu “Hành lang bảo vệ bờ biển” nên quy định cụ thể là cách bờ tối thiểu, tối đa bao nhiêu hải lý. Ở Chương VI từ Điều 43 đến Điều 52 của Dự thảo Luật còn thiếu phần xử lý vi phạm, phần quản lý môi trường biển; đồng thời, Dự thảo mới chỉ quan tâm đến thảm họa môi trường là chính, chưa quy định việc phát sinh chất thải hằng ngày trên biển như xử lý chất thải, dầu thải từ các tàu biển; Dự thảo cần bổ sung và quy định chi tiết hơn về hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên trên biển và hải đảo. Ở mục 3, Chương VI về “Nhận chìm ở biển” cần quy định rõ ràng, chặt chẽ, tránh trường hợp tiếp tay cho hành vi lợi dụng nhận chìm ở biển để đổ rác thải trên biển tùy tiện. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý việc thay đổi, thêm, bớt một số từ ngữ, thuật ngữ cho phù hợp...

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc