Multimedia Đọc Báo in

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh

21:35, 06/08/2016

Sáng 6-8, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giai đoạn 2005 – 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”.

Tiếp và làm việc với đoàn giám sát có Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Biêr Niê; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê và đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.

a
Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KHCN nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giai đoạn 2005 – 2015 toàn tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ 97 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh và 57 đề tài cấp huyện. Các kết quả đề tài, dự án nghiên cứu KHCN được thực hiện trong nhiều lĩnh vực: khoa học xã hội, nhân văn; khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với địa phương. Nhiều kết quả đề tài được đưa vào ứng dụng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống đạt trên 70%. Các tiến bộ kỹ thuật cũng được ứng dụng ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất…

a
Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng thử nghiệm dưa lưới tại huyện Cư M'gar

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo với một số giải pháp cụ thể như: xây dựng quy hoạch phát triển các sản phẩm cơ khí chủ yếu của tỉnh; cung cấp đầy đủ thông tin để các doanh nghiệp cơ khí tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước; kêu gọi nguồn đầu tư vào địa bàn tỉnh tập trung cho cơ khí hỗ trợ, cơ khí chế tạo … Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định thực hiện một số giải pháp chung như: tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng và phát triển tiềm lực KHCN; đẩy mạnh hoạt động thông tin KHCN; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ưu tiên ngân sách các cấp để đầu tư cho hoạt động này …

a
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cho biết, thời gian qua, địa phương đã triển khai thực hiện và đưa vào ứng dụng có hiệu quả nhiều đề tài, dự án; trong đó, lĩnh vực cơ khí là điểm sáng của tỉnh. Tuy nhiên, do còn gặp nhiều khó khăn tài chính nên ngân sách đầu tư cho phát triển KHCN của tỉnh trong thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Đồng chí mong muốn, trong thời gian tới Trung ương cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí đầu tư cho phát triển KHCN để tỉnh có điều kiện thực hiện một số chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, có tính chiến lược; sớm xây dựng quy hoạch phát triển các sản phẩm cơ khí chủ yếu cho vùng Tây Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch phát triển KHCN vùng Tây Nguyên đến  năm 2020, định hướng đến năm 2030.

a
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,  Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,  Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của KHCN trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Đồng chí cho rằng, Đắk Lắk cần phát huy lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao với sự có mặt của nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học của Trung ương và các trường đại học trên địa bàn để thực hiện tốt việc phát triển KHCN trong thời gian tới. Bên cạnh đó, địa phương cần vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách chung về phát triển KHCN vào thực tiễn; việc thực hiện các công trình, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn; đẩy mạnh việc hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực KHCN, đặc biệt là các doanh nghiệp để họ tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc