Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Nên quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí

09:07, 19/06/2013

Thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các đại biểu cho rằng dự án Luật lần này đã khắc phục được khá nhiều những hạn chế của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định rõ hơn các hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt các hành vi gây lãng phí, các cơ chế phát hiện điều tra thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát chi. Song, một số đại biểu cũng cho rằng một số điều khoản trong dự thảo Luật còn chung chung, chồng chéo, tính khả thi chưa sát với thực tế.

Từ những phân tích về thực trạng và các hành vi lãng phí, các đại biểu cho rằng Luật vừa thiếu, vừa thừa, chưa đủ mạnh để răn đe, thiếu biện pháp đảm bảo thực hiện, một số nội dung trùng với nhiều Luật khác, thậm chí có điều khoản quy định không đúng.

Có đại biểu băn khoăn: Chính phủ nhận định nguyên nhân của tình trạng lãng phí chủ yếu do công tác tổ chức chưa tốt nhưng dự thảo Luật lần này lại chưa đưa ra được những giải pháp hữu hiệu, chưa có sự phân tích đánh giá sâu sát. Nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung quy định các hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng quản lý ngân sách nhà nước, tài sản, tài nguyên, trong sử dụng lao động, thời gian lao động... Luật cần bổ sung cơ chế, chế tài để phòng lãng phí và chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, nhân lực công.

Quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, có đại biểu nêu rõ nguồn tài nguyên quốc gia không phải là vô hạn. Hiện nay cử tri và nhân dân cả nước đang rất bức xúc về việc khai thác rừng bừa bãi, lâm tặc lộng hành, khai thác cát tràn lan trên các sông ngòi... Bên cạnh đó có nhiều loại tài nguyên không thể tái tạo được như than, dầu thô, kim loại..., dự án luật chỉ quy định quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả là chưa đầy đủ. Vì thế, đề nghị việc quy định việc xây dựng, quy hoạch, kế hoạch quản lý khai thác sử dụng phải tính đến hiệu quả lâu dài, bền vững, hạn chế quản lý sử dụng có lợi ích thấp, ngắn hạn, lãng phí nguồn lực cho tương lai, ảnh hướng môi trường và sự bình yên cho cuộc sống của người dân.

Nhiều đại biểu đề nghị cần có cơ chế phát hiện, tố giác các hành vi lãng phí và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong kiểm tra, xử lý sai phạm, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý công khai kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, thất thoát, nhiều ý kiến cho rằng, lãng phí biểu hiện phổ biến hiện nay là đưa ra các quyết định gây lãng phí, như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn... Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác. Do vậy, trong Luật này cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định gây lãng phí; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh trong trường hợp vi phạm.

Khẳng định thời gian qua, các cơ quan báo chí đóng vai trò đắc lực trong việc phát hiện, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm phản hồi lại ý kiến báo chí đã phản ánh về tham nhũng. Nêu các ví dụ từ thực tế hoạt động của báo chí về: xe công đi lễ hội, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... khiến thực trạng trên giảm, có đại biểu đề nghị đề nghị bổ sung mục các cơ quan báo chí có quyền, giám sát thực hiện chống lãng phí.

Dự kiến, dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm nay.

Trước đó, với 89,76% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

                                                                   Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc