Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại

10:01, 27/11/2018

Trong buổi Tọa đàm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới do Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh vừa tổ chức, các đại biểu tham dự đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trăn trở về công tác này.

Là thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, kêu gọi thu hút các nguồn vốn viện trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học, tham gia xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Võ Tấn Tài cho rằng, để công tác đối ngoại được hiệu quả thì giải pháp trọng tâm, then chốt mà tỉnh cần quan tâm là tăng cường tổ chức, thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại nhân dân. Thực tế qua các hoạt động đối ngoại nhân dân mà Hội tổ chức như: Hội thảo du học, tìm hiểu lịch sử ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản…, các bạn Nhật đã biết, quan tâm nhiều hơn đến Đắk Lắk. Đó chính là yếu tố thuận lợi để Đắk Lắk xúc tiến, kêu gọi Nhật Bản đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực hai nước có tiềm năng như giáo dục, đào tạo lao động có tay nghề cao, thu hút vốn viện trợ ODA…

Hiện Đắk Lắk đang triển khai 21 dự án từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, đường, nước sạch với tổng số vốn khoảng 24,2 triệu USD; ngoài ra còn tiếp nhận 12 khoản viện trợ khác theo hình thức phi chính phủ với tổng trị giá trên 1 triệu USD từ các nhà tài trợ Nhật Bản; qua đó đã chứng minh tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân trong xu thế các nước đang mở rộng quan hệ, hợp tác, giao lưu trên cơ sở tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của nhau.

Ông Umeda Shoji, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam tỉnh Osaka (thứ 3 từ phải sang) tặng quà lưu niệm cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh trong chuyến công tác tại Đắk Lắk.
Ông Umeda Shoji, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam tỉnh Osaka (thứ 3 từ phải sang) tặng quà lưu niệm cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh trong chuyến công tác tại Đắk Lắk.

Trực tiếp làm công tác đối ngoại, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Phan Quốc Hoàn thẳng thắn nhìn nhận, công tác này hiện vẫn còn những hạn chế nhất định. Một trong những nguyên nhân chính là có lúc, có nơi, cấp ủy đảng chưa quan tâm, nhận thức đúng đắn vị trí, ý nghĩa của thông tin đối ngoại nên vẫn còn tư tưởng “khoán trắng” cho Sở Ngoại vụ hoặc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh.

Ông Phan Quốc Hoàn đề xuất thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần quyết liệt chỉ đạo cấp ủy đảng, các địa phương xây dựng, cụ thể hóa kế hoạch đối ngoại hằng năm, đưa vào chương trình hành động và triển khai thực hiện nghiêm túc, xem đây như là một tiêu chí bình xét thi đua. Tán thành đề xuất trên, ngay tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Phạm Minh Tấn cho biết, trước mắt Thường trực Tỉnh ủy sẽ bố trí, phân công hai đồng chí là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh và Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh để tạo sự “bứt phá”, chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động đối ngoại của hai tổ chức này.

Phân tích một nguyên nhân khác khiến công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, ông Nguyễn Ngọc Tý, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng hiện các sản phẩm thông tin đối ngoại của tỉnh còn quá nghèo nàn, đơn điệu. Ngoài các trang điện tử, bản tin của Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh, Sở Ngoại vụ được phát hành bằng song ngữ Việt - Nhật, Việt - Anh thì các kênh thông tin, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk bằng các ngôn ngữ Trung Quốc, Pháp, Anh hầu như chưa có; hoặc nếu có thì nội dung thông tin chưa phong phú, thiếu hấp dẫn, kịp thời, trong khi đó đây là phương tiện hữu hiệu, tiên phong trong công tác thông tin đối ngoại. Vì vậy, cần thiết phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập trung đào tạo đội ngũ trực tiếp làm công tác đối ngoại có đủ năng lực, trình độ chuyên môn ngoại ngữ nhất định, có kiến thức, hiểu biết khá toàn diện về Đắk Lắk để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đến đông đảo bạn bè quốc tế, góp phần thu hút nguồn lực đầu tư cho Đắk Lắk.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn đề xuất, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa, giúp gắn kết Đắk Lắk với các địa phương, các tỉnh có chung đường biên giới, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Đắk Lắk thì tỉnh ta cũng cần tranh thủ lực lượng doanh nhân. Với đặc thù công việc, các doanh nhân thường xuyên xuất ngoại, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển sản xuất kinh doanh nên họ có thể trở thành những “đại sứ” du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk cho bạn bè quốc tế…

Trân trọng những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cho rằng, buổi tọa đàm hết sức bổ ích, thiết thực, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tham mưu để Ban Chỉ đạo triển khai trong thời gian sớm nhất.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.